Điểm bất ngờ từ 3 tỉnh sáp nhập thành siêu đô thị, quy mô kinh tế dẫn đầu
(Dân trí) - Liên quan đến việc sáp nhập TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, đại biểu Quốc hội kỳ vọng TPHCM mới sẽ tăng tốc, tạo động lực phát triển cho khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Không gian phát triển mới
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt, TPHCM mới (được sáp nhập từ TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương) sẽ trở thành địa phương có quy mô kinh tế nằm trong top 10 cả nước, với khoảng cách khá xa so với nhiều tỉnh, thành còn lại.
Cụ thể, quy mô kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM mới là 2,71 triệu tỷ đồng, chiếm gần 24% trong tổng quy mô kinh tế hiện nay.
Trong đó, TPHCM dẫn đầu cả nước với 1,78 triệu tỷ đồng, còn Bình Dương xếp thứ ba chỉ sau Hà Nội với 520.205 tỷ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô 417.306 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, xét về thu ngân sách năm 2024, cả 3 tỉnh, thành trên sáp nhập sẽ đạt 681.935 tỷ đồng. Dẫn đầu trong nhóm là TPHCM với thu ngân sách 507.420 tỷ đồng.
Tỉnh Bình Dương đứng đầu trong nhóm này về thu nhập bình quân theo đầu người với 107,6 triệu đồng/năm, tiếp đến là TPHCM với 81,5 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người của Bà Rịa - Vũng Tàu là 70,4 triệu đồng/năm.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Ảnh: Trọng Quỳnh).
Trao đổi về đòn bẩy kinh tế trong sáp nhập tỉnh, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) tin tưởng TPHCM mới sẽ trở thành địa phương lớn nhất cả nước về quy mô GRDP, tạo động lực phát triển cho cả khu vực đồng bằng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Quan sát thực tế phát triển ở các địa phương hiện nay, ông Huân nhận thấy Bình Dương đã chạm đến những giới hạn về hạ tầng, huy động vốn, nhân công. Từ đó, tốc độ tăng trưởng vẫn còn, nhưng không còn cao như những năm vừa qua.
Tương tự, TPHCM cũng gặp khó khăn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về không gian và quỹ đất.
Theo đại biểu, các tỉnh sau sáp nhập sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho cả 3 địa phương. TPHCM là trung tâm tài chính - thương mại lớn nhất cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu nắm giữ những lợi thế chiến lược về cảng biển nước sâu, năng lượng và du lịch biển.
Đồng thời, ông Huân nhận định nếu Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển công nghiệp như Bình Dương và các doanh nghiệp TPHCM thì vẫn còn rất nhiều dư địa.
Bên cạnh đó, điểm mạnh của tỉnh này sẽ thúc đẩy tỉnh khác phát triển. Đại biểu nêu ví dụ như đầu tư nước ngoài, năng lực quản trị... của TPHCM sẽ tăng cường cho các tỉnh còn lại.
"Ngược lại, logistics vốn là hạn chế của TPHCM nhưng khi kết hợp với Bà Rịa - Vũng Tàu thì rõ ràng là có lợi thế về phát triển tuyến đường biển. Vận tải đường biển được đánh giá rẻ nhất trong các loại hình", ông Huân nhấn mạnh.
Kỳ vọng về "đầu tàu" phát triển
Về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết cần phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo xã, phường có đủ thẩm quyền giải quyết các vấn đề từ người dân và doanh nghiệp. Để làm được điều đó, cần có một thể chế rõ ràng, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số.
Trong lần sáp nhập chưa có tiền lệ này, đại biểu nhắc đến vấn đề quan trọng là sự tương hỗ các tiềm lực, thế mạnh từng địa phương vào một địa phương lớn và phát triển hơn.
TPHCM mới sẽ là một đầu tàu mới, hiện đại hơn để thúc đẩy sự phát triển, tiếp tục dẫn dầu nền kinh tế cả nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Ảnh: QH).
Theo ông Ngân, khi 3 địa phương hợp nhất thành TPHCM mới sẽ đóng góp 1/4 GDP cả nước. Do đó, ông rất kỳ vọng vào sự tăng tốc phát triển của "siêu đô thị" này.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng hơn nữa là những thế mạnh của từng địa phương sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Ông Ngân dẫn chứng thủ phủ công nghiệp Bình Dương sẽ kết hợp với các khu công nghiệp của TPHCM theo hướng đi sâu vào công nghệ cao và thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu sẽ lưu thông thuận lợi hơn khi kết hợp với hệ thống logistics tại các cảng biển tại TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn kinh tế biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Bình Dương và TPHCM.
TPHCM vốn là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học - công nghệ của cả nước. Vì vậy, khi hợp nhất cùng Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, đại biểu kỳ vọng một TPHCM mới sẽ hình thành, đóng vai trò là đầu tàu phát triển quan trọng trong thời gian tới.