Đại biểu HĐND cấp huyện sẽ thành đại biểu HĐND cấp xã khi bỏ cấp huyện

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Từ 1/7, khi chính quyền địa phương cấp huyện chấm dứt hoạt động, đại biểu Đại biểu HĐND cấp huyện được điều động về xã nào thì trở thành đại biểu HĐND xã đó.

Đại biểu HĐND cấp huyện sẽ thành đại biểu HĐND cấp xã khi bỏ cấp huyện - 1

Các đại biểu HĐND cấp huyện được bầu trong nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được chuyển về cấp xã (Ảnh minh họa: Huấn Tuấn).

Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ, từ ngày 1/7 sẽ bãi bỏ cấp huyện, bao gồm các loại hình đơn vị hành chính như: Thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, quận, huyện.

Khi đó, HĐND và các cơ quan thuộc HĐND cấp huyện cũng chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp huyện, cấp xã để bố trí làm việc tại cấp xã.

Để có căn cứ pháp lý thực hiện định hướng trên, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp tại Điều 54 trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Tại khoản 4 điều 54, dự luật quy định khi chính quyền địa phương cấp huyện chấm dứt hoạt động thì Thường trực HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chỉ định các đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 về làm đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026.

Nguyên tắc là đại biểu HĐND cấp huyện được bầu; hoặc đang thực hiện nhiệm vụ đại biểu ở phần địa giới hành chính thuộc đơn vị hành chính xã, phường, đặc khu thì về làm đại biểu HĐND của xã, phường, đặc khu đó.

Ngoài ra, đại biểu HĐND cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền điều động, bố trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của chính quyền địa phương ở xã, phường, đặc khu trực thuộc (trước khi đơn vị hành chính cấp huyện bị giải thể) thì về làm đại biểu HĐND của xã, phường, đặc khu đó.

Quy định này không áp dụng đối với đại biểu HĐND quận thuộc thành phố Hà Nội, đại biểu HĐND thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM.

Trong thời gian đầu sau khi sắp xếp có thể dôi dư cán bộ nên Khoản 5 Điều 54 của dự luật quy định chính quyền địa phương có thể bố trí số lượng Phó Chủ tịch HĐND, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc nhiều hơn số lượng quy định.

Tuy nhiên, chậm nhất là 5 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, số lượng và việc bố trí lãnh đạo, quản lý ở đơn vị hành chính sẽ thực hiện theo quy định.