Công chức cấp xã bắt buộc có trình độ đại học trở lên

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Bộ Nội vụ đề xuất quy định cụ thể về các tiêu chuẩn cần đáp ứng của công chức khi tuyển dụng tới đây, trong đó có yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

Mới đây, Bộ Nội vụ gửi lấy ý kiến các cơ quan dự thảo nghị định về đào tạo, bồi dưỡng công chức. 

Theo tinh thần đổi mới của dự thảo Luật Cán bộ, công chức năm 2025 và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, công chức khi tuyển dụng, bố trí vào vị trí việc làm phải đáp ứng điều kiện về trình độ đào tạo đại học trở lên theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. 

Đồng thời, trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống công vụ, công tác đào tạo công chức cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý để đào tạo các chuyên ngành mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và sự phát triển của đất nước.

Do đó, Bộ Nội vụ đề xuất đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học cho công chức để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của cơ quan, đơn vị đối với các chuyên ngành về: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số.

Một trong những nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng công chức là phải căn cứ vào vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của cơ quan, đơn vị.

Công chức cấp xã đang học trung cấp, cao đẳng, đại học theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, nếu được cơ quan có thẩm quyền dự kiến bố trí vào vị trí việc làm phù hợp với trình độ đào tạo, thì tiếp tục hưởng chế độ, chính sách cho người được cử đi đào tạo đến khi hoàn thành khóa đào tạo theo quy định. Trường hợp, công chức cấp xã đang học trung cấp, cao đẳng, đại học theo quy định mà được cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP, thì không tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách về đào tạo theo quy định mới.

Theo đó, cơ quan dự thảo đề xuất:

Công chức được bổ nhiệm vào vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước bắt buộc sau khi bổ nhiệm. Thời gian thực hiện là 4 tuần.

Công chức được bố trí vào vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ, được bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ. Thời gian thực hiện mỗi chương trình là 1 tuần.

Bộ Nội vụ cho rằng quy định này sẽ phù hợp với chủ trương tập trung bồi dưỡng đối với công chức theo yêu cầu vị trí việc làm và nhu cầu tự nghiên cứu, tự học tập quy định tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức năm 2025.

Đồng thời, đề xuất này nhằm bảo đảm công chức được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm, để thực hiện được khối lượng công việc nhiều và yêu cầu chất lượng ngày càng cao trong hoạt động công vụ.

Từ đó, hướng đến xây dựng đội ngũ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, chuyên nghiệp, tận tụy phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Ngoài ra, công chức phải tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức trong lựa chọn các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để nâng cao trình độ, năng lực thực thi công vụ, bảo đảm thời gian thực hiện tối thiểu 1 tuần (40 tiết)/năm.