Cán bộ xã thức đêm tìm hiểu luật, nâng cấp bản thân cho yêu cầu mới
(Dân trí) - 23h, chị Thanh Thanh (35 tuổi) vẫn còn trao đổi trong nhóm chat với cộng đồng những người làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công toàn quốc.
Cán bộ, công chức buộc phải tự nâng cấp
Chị Thanh Thanh là công chức mới được điều động về Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã ở Vĩnh Long. Những câu hỏi của chị xoay quanh việc xây dựng kế hoạch hoạt động, sử dụng phần mềm xử lý hồ sơ và những vướng mắc khi áp dụng quy định vào thực tế xử lý công việc hàng ngày.
"Dù có kinh nghiệm xử lý giấy tờ, thủ tục nhiều năm nhưng làm việc ở Trung tâm hành chính công là một công việc hoàn toàn mới đối với tôi. Đặc biệt trong bối cảnh này, khi khối lượng công việc nhiều hơn, yêu cầu cao hơn, tôi cảm thấy tự mình phải nâng cấp", chị Thanh chia sẻ.

Yêu cầu cao hơn đòi hỏi cán bộ, công chức cấp xã phải tự nâng cấp (Ảnh minh họa: Minh Hậu).
Trước ngày bộ máy mới đi vào vận hành, chị đã được hướng dẫn quy trình làm việc, đọc cẩm nang vận hành chính quyền cấp xã và nắm được nhiệm vụ cơ bản. Tuy nhiên, thực tế công việc phức tạp hơn những gì chị từng hình dung.
"Trước đây, quy trình đã rõ ràng thì tôi cứ thế thực hiện nhưng khi chuyển sang chính quyền địa phương hai cấp, nhiều việc từ cấp huyện đổ về xã, quy trình cũng thay đổi. Chưa bao giờ tôi phải nghiên cứu nhiều văn bản quy phạm pháp luật như vậy trong một thời gian ngắn. Dù vất vả, nhưng tôi nghĩ xứng đáng", chị nói.
Tương tự, anh Vũ Đinh Hùng, 30 tuổi, công chức phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã ở Phú Thọ, cho biết ba tuần qua anh chưa đêm nào đi ngủ trước 0h vì phải nghiên cứu từng quy định mới, "để làm cho chuẩn chỉnh".
"Nếu không vững kiến thức, chúng tôi làm sao hỗ trợ được người dân. Xã tôi ở quê, nhiều người dùng điện thoại thông minh còn chưa thạo, cán bộ như tôi mà không hiểu, không làm cho chuẩn chỉnh thì người dân biết làm thế nào?", anh nói.
Dù gặp không ít khó khăn, anh Hùng cho biết đang từng ngày học hỏi để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
"Nhờ có mạng xã hội, tôi kết nối được với nhiều đồng nghiệp ở các tỉnh, có những người đêm khuya vẫn nhiệt tình hướng dẫn, gửi tài liệu cho tôi để nghiên cứu", anh chia sẻ.

Cán bộ, công chức cấp xã ngày đêm học hỏi để đáp ứng được yêu cầu mới (Ảnh minh họa: Hải Long).
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), cho biết quá trình vận hành chính quyền hai cấp thời gian qua diễn ra thuận lợi, không có ách tắc đáng kể. Tuy nhiên, ở một vài địa phương bước đầu phát sinh một số vướng mắc, như chưa kịp thời ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã, một số nơi chưa cập nhật, sửa đổi cơ cấu tổ chức phù hợp với mô hình mới.
Một số công chức, đặc biệt là tại bộ phận một cửa, còn lúng túng trong tiếp cận quy trình xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức cấp xã đang gánh khối lượng công việc lớn, nhiều nhiệm vụ trước đây do cấp huyện đảm trách nay chuyển về cấp xã, gây áp lực không nhỏ.
Đào tạo nhanh về văn hoá tổ chức, kiến thức nền tảng
Theo TS Đoàn Văn Tình, Phó trưởng khoa Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính và Quản trị công, để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, cần tập trung vào bốn trụ cột.
Hoàn thiện thể chế: Rà soát đồng bộ khung pháp lý liên quan đến phân cấp, phối hợp liên thông, phân bổ nguồn lực và kinh phí để cấp xã đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Đào tạo bài bản: Cần đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng với chương trình linh hoạt, thiết thực, tập trung vào kỹ năng phù hợp mô hình chính quyền mới.
Chính sách đãi ngộ: Cần cơ chế giữ chân nhân tài, hỗ trợ nhà ở, chi phí đi lại và giải quyết chế độ cho cán bộ nghỉ việc hoặc chuyển công tác.
Đẩy mạnh chuyển đổi số: Đơn giản hoá, số hoá thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành công việc hàng ngày.

TS Đoàn Văn Tình, Phó trưởng khoa Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính và Quản trị công (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trước mắt, TS Tình cho rằng cần đào tạo nhanh về văn hoá tổ chức, kiến thức nền tảng theo vị trí việc làm.
"Đào tạo giúp cán bộ, công chức cấp xã có tâm thế làm việc chủ động, tích cực và phối hợp; hiểu đầy đủ về cấu trúc và vận hành của bộ máy mới, hiểu được mục đích, nhiệm vụ, quy trình thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn gắn với vị trí việc làm và cơ chế liên thông, phối hợp trong giải quyết công việc.
Sau đó, là những chương trình đào tạo chuyên sâu, cập nhật và nâng cao theo khung năng lực của vị trí việc làm và chức danh quy hoạch, phát triển năng lực toàn diện", ông Tình phân tích.
Để đảm bảo chất lượng, cần phân loại đối tượng, xác định đúng nhu cầu đào tạo, lấy học viên làm trung tâm, ứng dụng nền tảng trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả, các địa phương nên chủ động đặt hàng chương trình phù hợp điều kiện riêng, khuyến khích văn hóa tự học, chia sẻ tri thức, ứng dụng công nghệ trong quản lý đào tạo.
"Đổi mới mô hình tổ chức chính quyền cấp xã không chỉ là sắp xếp hành chính mà là thay đổi căn bản cách vận hành quyền lực, nhằm xây dựng một nền công vụ linh hoạt, hiệu quả và gần dân. Trong bối cảnh yêu cầu công việc cao, chế độ đãi ngộ còn hạn chế, cần có cam kết cải thiện lương, phụ cấp, nhà ở và môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Về dài hạn, nên chuyển sang mô hình quản lý dựa trên năng lực, hiệu suất công việc; mở rộng cơ hội phát triển sự nghiệp thông qua hệ thống đào tạo và lộ trình thăng tiến minh bạch đồng thời áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả, khen thưởng kịp thời để xây dựng văn hóa công vụ tích cực, khuyến khích đổi mới và sáng tạo", TS Đoàn Văn Tình nói.