7 lĩnh vực cán bộ quản lý ngành Tư pháp không được làm sau khi thôi chức

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định các lĩnh vực mà cán bộ quản lý ngành Tư pháp không được phép thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp sau khi thôi giữ chức vụ.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Thông tư Quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp, hợp tác xã) sau khi thôi giữ chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Thông tư này quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực đó sau khi thôi giữ chức vụ.

Danh mục này bao gồm 6 lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ Tư pháp, bao gồm: Quản lý nhà nước về lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; quản tài viên; thừa phát lại.

Lĩnh vực thứ 7 là chương trình, dự án, đề án thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà người thôi giữ chức vụ đã từng trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt (khi đang là cán bộ, công chức, viên chức).

7 lĩnh vực cán bộ quản lý ngành Tư pháp không được làm sau khi thôi chức - 1

7 lĩnh vực cán bộ quản lý ngành Tư pháp không được làm sau khi thôi chức (Đồ họa: Tùng Nguyên).

Quy định trên áp dụng có thời hạn.

Đối với 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, thời hạn cấm người thôi chức không được thành lập, tham gia quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã là đủ 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ.

Đối với lĩnh vực thứ 7, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đối với người thôi giữ chức vụ là thời hạn thực hiện xong chương trình, dự án, đề án.

Theo tờ trình của Thanh tra Bộ Tư pháp, mục đích ban hành thông tư trên là làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các đối tượng được hoặc không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi thôi giữ chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Qua đó, bảo đảm việc giám sát người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp thực hiện đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.