DMagazine

Tư tưởng nam giới độc hại đã "hại" nam giới như thế nào?

(Dân trí) - "Ai cho đàn ông cái quyền được khóc?"

"Ai cho đàn ông quyền được khóc?"

Theo từ điển Cambridge, Toxic masculinity /tɑːk.sɪk mæs.kjəˈlɪn.ə.t̬i/ (tư tưởng nam giới độc hại hay tính nam độc hại) được hiểu là những phạm vi, giới hạn mà đàn ông bị ràng buộc hành xử trong khuôn khổ của những tiêu chuẩn cực đoan.

Tuy nhiên, một nghiên cứu trên Tạp chí School of Psychology sử dụng định nghĩa sau để giải thích tính nam độc hại: "Tính nam độc hại là tập hợp của những đặc điểm thoái bộ về nam giới xét trên phương diện xã hội nhằm thúc đẩy sự thống trị, quan điểm xem thường phụ nữ, sự kỳ thị đồng tính và tính bạo lực tình dục".

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 1
Tư tưởng nam giới độc hại được định nghĩa trên nhiều phương diện khác nhau và có sự biến đổi theo thời gian (Ảnh: The New York Time)

Dưới ảnh hưởng của tư tưởng nam giới độc hại, xã hội đã "soạn" sẵn một bộ tiêu chuẩn chung về sự chuẩn mực dành cho nam giới. Tất cả nam giới dường như phải tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn chung đó, những sở thích khác biệt so với chuẩn mực đều được gọi là "kẻ ngoại lai" hoặc mang thiên tính nữ.

Những định kiến về nam giới dường như đã được chấp nhận hoặc tôn vinh rộng rãi tại nhiều nền văn hóa khác nhau và ăn sâu vào trong tiềm thức của mọi người, tạo áp lực khiến cho nam giới dần phải học cách chấp nhận và coi đó là điều cố hữu. Ví dụ: nam giới phải là trụ cột của gia đình, nam giới không được làm việc nhà, nam giới phải mua nhà đẹp, xe sang…

Tác giả Anand Giridharadas đã từng lập luận rằng: "Một ý tưởng hạn hẹp về sự bất khả chiến bại và bất khả xâm phạm dành cho nam giới đều là một cái bẫy khiến hầu hết đàn ông mắc kẹt trong hình ảnh "mẫu mực" của chính họ. Tuy nhiên, chúng ta đều thất bại khi làm điều đó".

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 2

Theo một số nghiên cứu được trích từ Tạp chí Verywellmind, "tính nam độc hại" được cấu tạo từ ba thành tố cốt lõi:

Tính mạnh mẽ: Đây là quan niệm cho rằng đàn ông phải mạnh mẽ về thể chất, chai lì về mặt cảm xúc và hung hăng trong hành vi.

Tính phản đối: Điều này liên quan đến ý tưởng rằng đàn ông nên từ chối bất cứ điều gì được coi là nữ tính, chẳng hạn như thể hiện cảm xúc hoặc đón nhận sự giúp đỡ từ người khác.

Tính quyền lực: Đây là giả định rằng đàn ông phải cố gắng đạt được quyền lực và địa vị (xã hội và tài chính) để họ có thể nhận được sự tôn trọng từ người khác.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Pew Research Center vào năm 2018 đã chỉ ra rằng: "Hành vi bảo vệ người khác là một đặc điểm cần phải có ở nam giới. Tuy nhiên, nhu cầu được quan tâm hoặc thổ lộ cảm xúc lại được cho là những điều không nên tồn tại ở họ".

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 4
Những người đàn ông phải sống theo chuẩn định kiến của xã hội nếu không muốn bị coi là những "kể ngoại lai" mang thiên tính nữ. (Ảnh: Realtalkphilosophy)

Sự kỳ vọng quá mức vào việc trở thành một "người đàn ông đích thực" có thể gây ra tính "mất cân bằng độc hại" ở nam giới khi họ luôn coi bản thân là một cỗ máy và cố gắng sống theo những chuẩn mực đã được lập trình sẵn từ trước. Một số ví dụ về tính cách bị "mất cân bằng độc hại" ở nam giới là:

Aggression (tính hiếu chiến)

Sexual aggression or control (tính bạo lực hoặc kiểm soát tình dục)

Showing no emotion or suppressing emotions (sự kìm nén cảm xúc)

Hyper-competitiveness (tính siêu cạnh tranh)

Needing to dominate or control others (tính thống trị và kiểm soát)

A tendency towards or glorification of violence (xu hướng tôn vinh bạo lực)

Isolation (sự cô lập)

Low empathy (sự đồng cảm thấp)

Entitlement (tính quyền lợi)

Chauvinism and sexism (chủ nghĩa sô vanh và phân biệt giới tính)

Với câu nói "Boys will be boys", phải chăng đàn ông có đặc quyền được phản ứng thô lỗ như là một phần bản chất bẩm sinh bên trong họ?

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 5

Theo một nghiên cứu năm 2017 của Úc có tên The Man Box, một cuộc khảo sát trực tuyến đối với một mẫu đại diện gồm 1.000 nam thanh niên từ 18-30 tuổi trên khắp đất nước đã chỉ ra rằng:

48% cảm thấy xã hội mong muốn đàn ông không quan tâm đến ngoại hình của họ.

38% cho rằng, xã hội mong muốn đàn ông không nấu ăn, may vá, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc trẻ con.

39% tin rằng một người đàn ông không cần phải làm việc nhà.

56% kỳ vọng đàn ông là trụ cột gia đình.

47% cho rằng, một người đồng tính nam không phải là "đàn ông thực thụ".

47% cho rằng, xã hội áp đặt đàn ông càng có nhiều bạn tình càng tốt.

56% tin rằng một "người đàn ông đích thực" sẽ không bao giờ nói không với tình dục.

35% cho rằng xã hội mong đợi nam giới sử dụng bạo lực để được tôn vinh.

43% cảm thấy xã hội mong đợi người đàn ông là người duy nhất được phép đưa ra quyết định cuối cùng trong mối quan hệ hoặc hôn nhân của anh ta.

49% tin rằng xã hội sẽ không tôn trọng một người đàn ông nói nhiều về những lo lắng, sợ hãi và các vấn đề của anh ta đang gặp phải.

54% mong đợi đàn ông tự giải quyết các vấn đề cá nhân của họ.

69% cảm thấy xã hội mong đợi các chàng trai luôn hành động một cách mạnh mẽ.

33% thấy buồn khi đứng cạnh một người phụ nữ cao hơn.

55% cảm thấy khóc trước mặt người khác sẽ khiến họ trở nên kém nam tính hơn.

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 7

Hoàng Nhật Huy, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ câu chuyện về những định kiến về nam giới mà bản thân đã phải đối mặt: "Hồi học cấp 3, mình đã từng bị bố mẹ kiểm soát rất nhiều, khi họ luôn áp đặt những chuẩn mực về nam giới lên bản thân mình. Mình có sở thích nuôi tóc dài, nhưng họ thì luôn coi đó là những điều không đúng với một người con trai. Điều đó khiến mình vô cùng thất vọng và buồn chán. Mình trở nên bồng bột và nổi loạn hơn bao giờ hết vào thời điểm đó".

Do vậy, Nhật Huy đã có suy nghĩ: "Mình đã từng ước bản thân sinh ra không phải đàn ông!".

"Tuy nhiên, ở thời điểm đó, có lẽ do mình quá "non nớt" để có hiểu được hết những mong muốn của bố mẹ. Những cuộc cãi vã qua lại trong suốt hai năm qua thật vô nghĩa và đã có lúc kéo mối quan hệ giữa mình và bố mẹ ra xa", chàng trai Gen Z cho hay.

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 9

Theo Nhật Huy, quan điểm của bố mẹ về phong cách của một người đàn ông là một điều hết sức bình thường. Bởi lẽ, sống trong một xã hội đã được "đặt chuẩn", "rập khuôn" với những định kiến như thế, việc tiếp nối tư tưởng là một điều hiển nhiên. Nó được truyền lại từ nhiều thế hệ như một cái kim khâu qua nhiều lớp áo. Biết là sẽ có những lúc kim chọc vào tay gây ra đau đớn nhưng nó vẫn phải tiếp tục khâu thì mới có thể trở thành một bộ quần áo.

Bạn Hoàng Nguyễn Lâm Anh, sinh viên trường Đại học Ngoại Thương cũng có những chia sẻ với Dân trí: "Thực ra, những định kiến như con trai phải nhường nhịn, con trai phải mạnh mẽ… không phải là không tốt vì trong một xã hội thì ắt sẽ có nhiều quan điểm khác nhau. Thứ mình không ủng hộ ở đây là cho rằng nhận định của bản thân là đúng và áp đặt nó lên một vấn đề, người khác hay xã hội này."

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 11

Trần Quang Thức, sinh viên trường Học viện Tài chính cho biết: "Quả thực, mình đã nghe quá nhiều những định kiến về nam giới đến nỗi bản thân phải học cách tự chấp nhận chúng như một thứ "gia vị" không thể thiếu trong cuộc sống.

Đành chấp nhận để trở thành một người đàn ông "đích thực", một người đàn ông sống theo "chuẩn" định kiến của xã hội. Cố gắng vượt qua và cố gắng đạt được mục tiêu chính là những điều mình cần phải làm. Xã hội sẽ không cho mình được phép yếu đuối, điều duy nhất là phải thành công để vượt qua những định kiến."

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 13

"Mình biết, có những người bạn của mình vì đã không đáp ứng được những kỳ vọng của bạn bè, gia đình và xã hội, nên họ đã tìm đến rượu bia và những thú vui không lành mạnh để tự an ủi chính mình. Có lẽ, những người bạn của mình không thể tìm kiếm được lòng đồng cảm từ bất kì một ai khác, bởi vì trong mắt mọi người, họ là những kẻ thất bại", Quang Thức chia sẻ.

Trái ngược lại quan điểm với Quang Thức, Nguyễn Quang Vinh, học sinh chuyên Văn trường THPT Chuyên Sơn La chia sẻ: "Mình đã từng là nạn nhân của "tư tưởng nam giới độc hại" khi bản thân bị bàn tán rất nhiều về việc con trai học chuyên Văn. Tuy nhiên, sự biểu hiện của bản dạng giới là chủ quan của mỗi người, nó hoàn toàn không liên quan đến việc lựa chọn, học tập trong môi trường nhiều bạn nữ. Thế nên, đừng quy cho nó thành một chuẩn mực chung dành cho tất cả nam giới".

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 15

Với Quang Vinh, con trai học chuyên Văn cũng giống như các bạn nam học chuyên khác, đơn giản vì họ giỏi ở lĩnh vực đó. Cũng giống như những chàng trai mặc áo hồng, đơn giản vì họ thích màu sắc đó. Các môn học, các màu sắc đều bình đẳng với nhau và nó không nói lên bất cứ điều gì liên quan đến biểu hiện giới. Vì thế, việc con trai học chuyên Văn, con trai mặc áo hồng, thậm chí việc con trai hay khóc... không có gì đáng để bàn cãi cả.

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 17

Một số người tin rằng tính nam độc hại là nguy hiểm vì nó hạn chế và cản trở sự phát triển bình thường của một người đàn ông. Điều này có thể gây ra những xung đột không đáng có giữa thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài. Chúng được gọi là xung đột về vai trò giới.

Khi một chàng trai trưởng thành nhìn thế giới thông qua lăng kính hẹp của mình, nhưng thế giới lại được cấu tạo nên từ những đặc điểm nam tính phóng đại, chàng trai đó chỉ có thể chấp nhận và tự đặt mình vào một cái khuôn đúc sẵn.

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 19
Tiếp cận với những định kiến độc hại về nam giới có thể dẫn đến những xung đột về vai trò giới (Ảnh: Albanhuber)

Theo tạp chí MedicalNewsToday, nếu tư tưởng nam giới độc hại không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề, chẳng hạn như: Bắt nạt và làm tổn thương đến người khác; Tư tưởng chống đối xã hội; Có những hành vi vi phạm pháp luật; Lơ là với việc học tập; Rơi vào vòng lao lý; Hành vi bạo lực gia đình

Xu hướng quấy rối và bạo lực tình dục; Lạm dụng chất kích thích; Tự sát; Chấn thương tâm lý; Thiếu tình bạn hoặc những mối quan hệ chân chính…

Cũng theo tờ báo này, tính nam độc hại là một tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của nam giới. Chúng có thể ngăn cản nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác khi đối mặt với các vấn đề về sức khỏe hoặc các vấn đề tiềm ẩn khác. Đối với một số nam giới, yêu cầu sự giúp đỡ có thể dẫn đến những nhận thức độc hại khi họ được coi là những người đàn ông kém cỏi.

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 20

Hoàng Nguyễn Lâm Anh, sinh viên trường Đại học Ngoại Thương cho rằng: "Nam quyền mà mọi người muốn đấu tranh đơn giản là sự muốn lên tiếng trước những ràng buộc của xã hội, rằng bản thân cũng biết yếu đuối, mệt mỏi, đôi khi cũng khóc và buồn như bản năng của một con người. Nó là đấu tranh cho quyền được "thoải mái làm người" thì đúng hơn".

Tư tưởng nam giới độc hại đã hại nam giới như thế nào? - 22

Trần Quang Thức, sinh viên trường Học viện Tài chính cũng đã có những quan điểm để chia sẻ về vấn đề này: "Đàn ông và phụ nữ dường là hai giống loài khác nhau. Trong khi phụ nữ họ thiên hướng cảm xúc để giải quyết vấn đề của họ, đàn ông có vẻ lý trí hơn nên họ thường giấu giếm cảm xúc của mình hơn. Thế nên, mình nghĩ là nên có những phong trào về việc đòi quyền lợi cho nam giới. Sở dĩ, họ phải chịu rất nhiều những áp lực từ xã hội, gia đình và bạn bè như việc phải thành công, phải có được một sự nghiệp "đồ sộ"... Đàn ông có thể hơn phụ nữ về mặt thể chất, còn về tinh thần họ cũng có nhu cầu được sẻ chia và thấu hiểu".

Điểm mấu chốt là tư tưởng nam tính độc hại đã ăn sâu vào xã hội đến nỗi hầu hết nam giới đều phải trải qua những tác động của nó vào một thời điểm nào đó. Thoải mái với con người của mình, bất kể bản dạng và biểu hiện giới tính của bạn (hay của bất kỳ ai khác), là một việc cần phải làm.

Thay đổi cách nhìn của xã hội về nam giới, nên hay không?

|Nội dung: Huỳnh Đức

Thiết kế: Thủy Tiên