Nam giới GenZ: Phong trào nữ quyền ở Anh đã đi quá xa?

Ngọc Anh

(Dân trí) - Theo kết quả một cuộc khảo sát vừa được công bố, có tới một nửa nam giới thế hệ Gen Z ở Anh cho rằng nữ quyền "đã đi quá xa" và việc này khiến nam giới khó thành công hơn.

Nam giới GenZ: Phong trào nữ quyền ở Anh đã đi quá xa? - 1

Gần 1/5 nam thanh niên trong độ tuổi 16-24 ở Anh có quan điểm tiêu cực về nữ quyền (Ảnh: Getty Images).

Hope Not Hate Charity Trust, tổ chức từ thiện có mục tiêu "xây dựng cộng đồng và tôn vinh những bản sắc chung" ở Anh, gần đây đã thực hiện một khảo sát về tác động của đại dịch Covid-19 tới thế hệ trẻ.

Tổ chức này đã đánh giá ý kiến của hơn 2.000 người trong độ tuổi 16-24, tức là thuộc Gen Z. Cuộc khảo sát bao phủ một loạt các chủ đề, bao gồm cả áp lực mà Gen Z cảm thấy liên quan đến tương lai của họ, đến cảm giác không có tiếng nói chính trị và thái độ của họ đối với nữ giới.

Trong số 2.076 người tham gia khảo sát, có 49% tin rằng vào thời điểm hiện tại ở Anh, làm phụ nữ nguy hiểm hơn làm đàn ông. Con số này bao gồm 39% nam thanh niên và đa số (59%) phụ nữ trẻ.

Khảo sát cho thấy nhiều người trẻ tuổi đồng tình với quan điểm "nữ quyền đã đi quá xa và khiến nam giới khó thành công hơn", 36% ý kiến đồng tình và 35% phản đối.

Chỉ tính riêng số nam giới tham gia khảo sát, có 50% đồng tình với quan điểm trên, chỉ có 21% phản đối.

Hơn nữa, 18% nam thanh niên có quan điểm tiêu cực về các nhà nữ quyền và 14% có quan điểm tích cực đối với các nhà hoạt động chống phá thai.

Ngoài những phát hiện về quan điểm của Gen Z đối với nữ quyền, phụ nữ và quyền sinh sản, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng hơn một nửa người trẻ cảm thấy sự bùng phát Covid-19 đã hạn chế triển vọng của họ và 41% cảm thấy cảm giác bi quan về tương lai.

Chỉ có 17% nữ giới được hỏi cho biết họ cảm thấy có tiếng nói chính trị, so với tỷ lệ 32% ở nam giới.

Chính trị gia Cat Smith, thành viên Nghị viện Anh cho rằng cuộc khảo sát đã cho thấy "một thực tế đáng kinh ngạc" mà những người trẻ đang phải đối mặt. Bà nói: "Covid-19 không chỉ tạo ra sự lo lắng về những bất ổn tài chính và triển vọng việc làm trong tương lai, mà còn ảnh hưởng đến phúc lợi của giới trẻ và khiến họ không cảm nhận được giá trị của bản thân trong xã hội. Thế hệ trẻ cần được đặt vào vị trí trọng tâm của các kế hoạch phục hồi hậu Covid".

Trong khi đó, bà Rosie Carter - tác giả của báo cáo khảo sát, cũng là cán bộ chính sách cấp cao của Hope Not Hate Charity Trust nhấn mạnh rằng chính phủ Anh cần ưu tiên thế hệ Covid này.

"Mặc dù giới trẻ vốn rất lạc quan nhưng họ không hề hướng về tương lai và thấy một thế giới đầy cơ hội. Ngược lại, họ thấy những rủi ro thực sự từ việc khó khăn về tài chính, sự cô độc và ở bên lề đời sống chính trị. Chính phủ phải ưu tiên xây dựng một chương trình mới dành cho những người trẻ tuổi, hoặc sẽ khiến hy vọng của họ biến thành sự bất mãn", bà Carter nói.

Theo www.independent.co.uk