Nỗi lo “năm cuối” của SV trước bước ngoặt cuộc đời

(Dân trí) - Sinh viên trước khi ra trường, phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có sự hoang mang, lo lắng về công việc. Trước ngã rẽ đó, nhiều người đã lựa chọn cho mình con đường riêng.

Lo lắng trước bước ngoặt cuộc đời

 

Thất nghiệp là nỗi lo lớn nhất của sinh viên chuẩn bị ra trường, đặc biệt trong thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế đang còn khó khăn.

 

Yến (HV Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, chưa bao giờ thấy vấn đề việc làm trở nên bức thiết như hiện tại. “Hơn một tháng nữa cầm bằng rồi về đóng khung, cất vào tủ kính. Mọi chuyện hiện tại bị đổ bóng theo hai từ “công việc”.

 

Chuyện bạn bè, gia đình, họ hàng đều có chung một mẫu số: “Ra trường định làm việc ở đâu?”, khiến mình cảm thấy thật mệt mỏi, rối loạn. Đặc biệt, Yến cũng không dám và không muốn nói trước điều gì cả vì sợ những người thân yêu thất vọng”.

 
Nỗi lo “năm cuối” của SV trước bước ngoặt cuộc đời
Những mơ mộng thủa sinh viên dần nhường chỗ cho suy nghĩ, lo lắng về chặng đường sau ra trường. (ảnh minh họa)
 

H. Thảo (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) hiện tại cảm thấy hoang mang trước chặng đường sắp phải đối mặt, nhất là khi không biết bản thân thực sự muốn, đam mê cái gì.

 

Thảo nói: “Trong lòng mình cứ lặp đi, lặp lại rất nhiều câu hỏi: Liệu mình có thể sống và gắn bó với ngành nghề đã chọn không? Liệu đây có phải là con đường bản thân  mong muốn? Không ít bạn bè đã có định hướng cụ thể, trong khi đó mình còn rất bối rối, chưa xác định được rõ ràng”.

 

Chuẩn bị kết thúc 3, 4 năm cao đẳng, đại học mới phát hiện ra niềm đam mê thực sự của mình, khác với ngành nghề đang theo học cũng trở thành một vấn đề khá phổ biến hiện nay. Trịnh Tuấn (trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) chia sẻ: “Ban đầu lựa chọn kinh tế vì thấy đa số mọi người đăng ký, khi đó mình chưa biết bản thân thích học gì.

 

Nhưng hiện tại, mình đã nhận ra sở thích với ngành kỹ thuật và không biết có phải đã muộn không nữa. Bây giờ mình đắn đo giữa việc an phận, tìm công việc đúng với ngành học cho ổn định, để bố mẹ yên tâm và việc từ bỏ nó, bắt đầu học lại ngành nghề theo đam mê bản thân”.

 
Cùng những hoài bão to lớn là những tính toán đời thực của SV năm cuối.
Cùng những hoài bão to lớn là những tính toán đời thực của SV năm cuối.
 

Hay như Tuyết (HV Báo chí và Tuyên truyền) muốn học tiếp lên cao học nhưng lại gặp vấn đề về tài chính: “Mình cảm thấy có chút bế tắc khi ra trường, vừa  đảm bảo thu nhập, tự trang trải cuộc sống mà vẫn có thể tiếp tục học lên cao. Mình không thể vì tương lai của bản thân mà khiến bố mẹ thêm vất vả, lo lắng”.

 

Không chỉ vì công việc, nhiều bạn sinh viên cũng “đau đầu” trước chuyện tình cảm. Thất bại sau một cuộc tình sâu nặng kéo dài 4 năm đại học vì bị lừa dối khiến cho Hương (trường ĐH Hồng Đức) trở nên mất niềm tin. “Tình yêu khiến mình mệt mỏi, suy sụp. Thậm chí, giờ đây mình còn cảm thấy “sợ”, không dám yêu ai nữa”.

 

Những lựa chọn trước ngã rẽ

 

Để chuẩn bị cho chặng đường tương lai của mình, các bạn trẻ đã có những lựa chọn khác nhau. Với mong muốn được tiếp nhận thêm kiến thức, có bằng cấp cao hơn, Thu Hằng (trường ĐH Lao động và Xã hội) quyết định thi Thạc sĩ.

 

“Nếu có thể, mình mong muốn được giảng dạy ở một trường cao đẳng, đại học nào đấy. Hoặc làm công việc khác phù hợp với ngành nghề, thì chuyện học lên cũng không bao giờ là thừa”. Hằng cho biết, trong thời gian này cũng sẽ học hỏi, bổ sung thêm một số kiến thức, kỹ năng cần thiết cho ngành nghề sau này.

 
Việc làm đang là vấn đề đau đầu với nhiều bạn SV trước ngày tốt nghiệp. (ảnh minh họa)

Việc làm đang là vấn đề đau đầu với nhiều bạn SV trước ngày tốt nghiệp. (ảnh minh họa)
 

“Rải” hồ sơ để tìm việc là hành động được nhiều sinh viên lựa chọn, trong thời điểm hiện nay. Nguyễn Văn Lộc (trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Mình biết xin việc rất khó khăn nên không dễ gì được nhận ngay từ những lần nộp hồ sơ đầu tiên. Bởi vậy, mình đã làm sẵn hơn chục bộ hồ sơ và lập danh sách các công ty sẽ tới đăng ký thi tuyển”. Trong thời gian này, một số người bạn của Lộc cũng đã ôn luyện và thi vào một số công ty nước ngoài của khu công nghiệp tại Hà Nội.

 

Trái ngược với Lộc, sau khi nộp hồ sơ ở một số công ty, Nguyễn Thủy (trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp) lại về quê đợi việc. “Mình sẽ về với bố mẹ một thời gian vì sau này đi làm rồi, không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Bên cạnh đó, sức khỏe mình hơi yếu, không thích hợp cho việc đi lại “rải” hồ sơ, phỏng vấn hết nơi này đến nơi khác”, bạn nói. Theo Thủy, để xin được việc còn phụ thuộc vào may mắn nữa, nên cố cũng không thành.

 

Đối với Nguyễn Ngọc Quỳnh (trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), nửa năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp là thời điểm tuyệt vời nhất để làm những thứ bản thân muốn. “Vì khi đã đi làm thì sẽ không còn thời gian cho bất cứ việc gì khác, sẽ bị cuốn theo công việc. Nửa năm ấy so với cả cuộc đời phải tập trung vào một công việc cố định thì không phải nhiều nên bố mẹ mình đã đồng ý, ủng hộ”.

 

Quỳnh cho biết, khoảng thời gian này, bạn sẽ đi du lịch, dành thời  gian  cho mấy thứ lặt vặt bản thân thích, mở một shop online nhỏ để bán gốm. “Mình cũng sẽ tham gia vài cuộc thi để làm hồ sơ, cũng là một cách kiếm tiền. Hiện tại mình chưa có ý định là cụ thể ở đâu sau khi hết nửa năm ấy, nhưng khi có văn phòng tuyển mà bản thân cảm thấy hợp, đỗ vào thì đi làm”.

 

Hy vọng các bạn sinh viên chuẩn bị ra trường sẽ sớm lấy lại cho mình tinh thần tốt và lựa chọn phù hợp với bản thân!

 

Hoàng Dung