Thế hệ trẻ Nhật Bản không cần thăng chức, thích cuộc sống thoải mái

Việt Trinh

(Dân trí) - Theo một cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Nhật Bản, chỉ có 30% thanh niên Nhật Bản cảm thấy việc thăng tiến trong công việc là quan trọng.

Tại Nhật Bản, "karoshi" là thuật ngữ chỉ những trường hợp người tử vong do làm việc quá sức. Đứng trước văn hóa làm việc tiêu cực này, nhiều người trẻ ở xứ sở hoa anh đào dần ưu tiên việc cân bằng giữa khối lượng công việc và cuộc sống.

Từ sau đại dịch Covid-19, thái độ của các nhân viên trẻ trước những văn hóa làm việc kéo dài cùng hệ thống phân cấp cứng nhắc của Nhật Bản dần có sự thay đổi.

Theo khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Nhật Bản, chỉ có 30% người trẻ tại đất nước này cảm thấy việc thăng chức là quan trọng. Ưu tiên hàng đầu của họ là đi làm trong môi trường phù hợp, thoải mái và vui vẻ.

Dữ liệu của chính phủ vào năm 2022 cho thấy, tỷ lệ người lao động làm việc hơn 60 giờ/tuần của Nhật Bản đã giảm một nửa so với số liệu của hai thập kỷ trước.

Thế hệ trẻ Nhật Bản không cần thăng chức, thích cuộc sống thoải mái - 1

Hiện nay, giới trẻ Nhật Bản ưu tiên cuộc sống thoải mái và vui vẻ (Ảnh: Nikkei).

Mặc dù muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống, một nhân viên trẻ cho biết, để đạt được mục tiêu này là điều không hề dễ dàng.

Yuki Sato (24 tuổi, người Nhật Bản) - nhân viên quan hệ công chúng tại một tập đoàn lớn - tiết lộ, cô thường xuyên phải làm thêm giờ khoảng 2,5 tiếng mỗi ngày.

"Tan sở về nhà, tôi mệt mỏi nên chỉ muốn đi ngủ. Mỗi ngày của tôi cứ lặp lại như vậy," cô chia sẻ với CNA.

Yuki Sato tốt nghiệp vào năm 2022, thời điểm thế giới đang phục hồi sau đại dịch. Điều này khiến thế hệ của cô cảm thấy lo sợ trước sự bất ổn của cuộc sống.

"Bỗng nhiên chúng tôi không được phép làm gì cả. Đại dịch khiến mọi thứ có thể sụp đổ, sự ổn định cuộc sống biến mất. Lương có thể giảm hoặc tăng, giá cả cũng có thể lên xuống", nữ nhân viên cho hay.

Thế hệ trẻ Nhật Bản không cần thăng chức, thích cuộc sống thoải mái - 2
Đại dịch Covid-19 góp phần giúp giới trẻ Nhật Bản vạch rõ ranh giới giữa công việc và cuộc sống (Ảnh: Kyodo).

Đại dịch cũng đã thay đổi một yếu tố quan trọng trong văn hóa làm việc của các công ty Nhật Bản: Những buổi nhậu sau giờ làm.

Việc đóng cửa các quán nhậu do Covid-19 cũng góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch sang lối sống tiết chế. Đặc biệt là với nhân viên trẻ - những người coi trọng chất lượng cuộc sống, họ không ngần ngại đặt ra ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Đối với Sato, cô thường giao lưu với đồng nghiệp qua những bữa trưa. Đây là cách để hòa đồng với mọi người mà vẫn có thể phát triển kỹ năng làm việc.

Thế hệ trẻ Nhật Bản không cần thăng chức, thích cuộc sống thoải mái - 3

Nhiều người lựa chọn làm việc ở nước ngoài để tìm kiếm sự cân bằng (Ảnh: iStock).

Mặc dù văn hóa nơi làm việc dần được cải thiện và mức lương khởi điểm cao hơn trong bối cảnh thiếu hụt lao động, thanh niên Nhật Bản vẫn nằm trong số những người không hạnh phúc nhất trong các nước phát triển - xếp thứ 73 trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới mới nhất.

Các chuyên gia cho biết, giới trẻ trên khắp thế giới, bao gồm cả Nhật Bản, đang tìm kiếm những nơi làm việc tốt hơn, mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cùng môi trường hòa nhập.

Để đạt được điều này, một số người lựa chọn ra nước ngoài tìm việc làm. Số khác tìm kiếm các công việc thời vụ thay vì làm toàn thời gian. Những người khác, giống như Sato, lại hài lòng và quyết định gắn bó với vị trí hiện tại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm