Khi phụ huynh nói ngôn ngữ Gen Z

Hồng Nhung

(Dân trí) - Để thể hiện tình yêu và sự quan tâm, tạo dựng mối quan hệ gần gũi với con, các bậc phụ huynh cũng trang bị kiến thức về ngôn ngữ giao tiếp "chuẩn Gen Z".

Khi bố mẹ bắt kịp xu hướng Gen Z

Nguyễn Thanh Vân (sinh viên trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) kể rằng: "Do thói quen nên thi thoảng mình cũng hay nói như thế với người lớn trong nhà, thế là cũng phải giải thích cho người nhà về ý nghĩa của mấy từ đó. Bố mẹ và cả ông bà mình đều thích thú, có khi còn sử dụng chúng để nói chuyện với mình".

"Bố mẹ mình suốt ngày lướt Facebook, Tiktok rồi tương tác, xem hết các bài viết nổi tiếng của các bạn trẻ. Có hot trend (xu hướng thịnh hành), có cái gì hay là lại đi hỏi mình và em mình.

Nhiều khi bố mẹ mình nhắn tin, nói chuyện, cũng chưa chắc hiểu rõ ý nghĩa đâu nhưng thấy giới trẻ hay sử dụng nên cũng học theo cho trẻ đi ấy", bạn Nguyễn Hoàng Hà (sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) hài hước chia sẻ.

Khi phụ huynh nói ngôn ngữ Gen Z - 1

Trong các cuộc trò chuyện thường ngày, Hà kể bố mẹ thường rất hay sử dụng những từ ngữ của lứa tuổi teen như mình, khiến cho cuộc trò chuyện rất thú vị và thoải mái. (Ảnh đồ họa: Hồng Nhung)

"Phải làm quen với việc thành phụ huynh của con cái tuổi teen thời đại số"

"Những người làm bậc phụ huynh như tôi rồi sẽ thấy hụt hẫng khi con cái xa mình dần. Ấy là khi chúng bước vào tuổi teen, đi học đại học, có người yêu.

Vào tuổi này chúng thích sự độc lập, không thích chuyện trò với bố mẹ, thậm chí không thích ra ngoài uống cà phê hay đi nghỉ mát cùng bố mẹ. Tôi hiểu đó là diễn biến tự nhiên. Vì vậy tôi học cách hòa nhập với con, tìm hiểu những gì chúng hứng thú để có thể giao tiếp gần gũi hơn với con như một người bạn", chị Tạ Thị Chung chia sẻ.

Đồng ý kiến với chị Chung, chị Hồ Hoài Thương (Hà Nội) hiện có hai con học cấp 2 và cấp 3, nêu suy nghĩ rằng, vào thời điểm dậy thì con trẻ sẽ có những suy nghĩ và cảm xúc riêng của bản thân, phát triển cái nhìn riêng về thế giới. Vì vậy, nếu muốn có thể trò chuyện hiệu quả, chia sẻ và thấu hiểu con thì "phải làm quen với việc thành phụ huynh của con cái tuổi teen thời đại số".

Khi phụ huynh nói ngôn ngữ Gen Z - 2

Có không ít bố mẹ hiện đại luôn nỗ lực để rút ngắn khoảng cách, kéo gần hai thế hệ với nhau. (Ảnh đồ họa: Hồng Nhung)

Bạn Nguyễn Thanh Duyên (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ rất hay kể cho bố mẹ thậm chí cả ông bà nghe về "chuyện giới trẻ" hoặc giải thích về các thuật ngữ Gen Z, từ tiếng Anh thông dụng.

"Mình nghĩ người lớn không hề bảo thủ, chỉ là chúng ta chưa dành nhiều thời gian kể cho họ nghe về sự thay đổi thú vị của thế giới hiện đại mà thôi", Duyên nói.

Cẩm nang ngôn ngữ Gen Z

Chia sẻ với Dân trí, Hoàng Hà cho biết có nhiều cụm từ phổ biến đều bắt nguồn từ mạng xã hội và rất nhiều người sử dụng cụm từ này để tương tác và trò chuyện với nhau.

"Bây giờ hầu như bạn trẻ nào cũng lướt Tiktok và Facebook, nên có từ gì hot (phổ biến) là cập nhật được ngay. Nếu thấy nó thú vị mình sẽ ghi nhớ, sử dụng và chia sẻ cho bạn bè và bố mẹ mình, những người thân thiết quan tâm đến nó", Hà nói.

Chị Khổng Ngân Giang (Hà Nội) cảm thấy những từ ngữ của các con trẻ bây giờ thực sự rất thú vị. Nhiều khi nghe các con nói chuyện với nhau mà chị nghe không hiểu, sau khi "được con phổ cập" chị không khỏi cảm thán: "Đúng là cần có từ điển những thuật ngữ của Gen Z thì mới có thể hiểu hết được".

Liệt kê và giải thích một loạt những từ ngữ mới mẻ của Gen Z, Hoàng Hà nói thêm: "Mình nghĩ không chỉ mình mà các bạn trẻ khác cũng muốn khiến cuộc trò chuyện trở nên vui vẻ hơn nên mới sử dụng từ ngữ biến tấu nhiều. Ngay cả người lớn trong gia đình mình cũng thích dùng những từ ngữ đó nên mình cảm thấy rất thú vị".

Một số từ được các bạn trẻ Gen Z sử dụng phổ biến như:

Khi phụ huynh nói ngôn ngữ Gen Z - 3

"Mãi mận mãi keo" có thể dùng để miêu tả tình cảm gắn bó thân thiết hoặc mang hàm ý khen ngợi. (Ảnh đồ họa: Hồng Nhung)

Khi phụ huynh nói ngôn ngữ Gen Z - 4

"Ra dẻ" là cách đọc chệch của cụm từ "ra vẻ". Đây là một khẩu ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày, dùng để chỉ hành vi cư xử, thể hiện những thứ bản thân không có (Ảnh đồ họa: Hồng Nhung)

Khi phụ huynh nói ngôn ngữ Gen Z - 5

"Out trình" là cụm từ được ghép nửa Anh nửa Việt, được sử dụng để chỉ ai đó có trình độ cũng như khả năng vượt trội hơn so với đối thủ của mình. (Ảnh đồ họa: Hồng Nhung)

Khi phụ huynh nói ngôn ngữ Gen Z - 6

"Mai đẹt ti ni" là cách nói phiên âm tiếng Việt của cụm từ tiếng anh "My destiny" nghĩa để chỉ định mệnh của mình. (Ảnh đồ họa: Hồng Nhung)

Khi phụ huynh nói ngôn ngữ Gen Z - 7

"Bất ngờ chưa bà zà" được áp dụng trong các trường hợp để tạo sự bất ngờ hài hước thú vị. Ngoài ra giới trẻ còn biến tấu ra một số phiên bản khác như "Ngạc nhiên chưa bà già", "Hế lô bà zà",... (Ảnh đồ họa: Hồng Nhung)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm