"Mua trước - trả sau" khiến Gen Z Mỹ nợ nần chồng chất

Minh Hiếu

(Dân trí) - Từ chỗ là một trào lưu, giải pháp mua sắm nhanh chóng và tiện lợi, "mua trước - trả sau" đã khiến nhiều Gen Z rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Phương thức thanh toán "mua trước - trả sau" (BNPL - Buy Now, Pay Later), mua trả góp không lãi suất và các khoản vay ngắn hạn thực sự đã kích thích nhu cầu mua sắm trong giới trẻ

Mua trước - trả sau khiến Gen Z Mỹ nợ nần chồng chất - 1

Các sản phẩm thanh toán kỹ thuật số rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng trẻ (Ảnh: PA).

Công ty Afterpay của Australia đã phổ biến khái niệm mua trước - trả sau" như một bước ngoặt nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng tức thì của người tiêu dùng. Các sản phẩm tài chính này cho phép người tiêu dùng trả tiền mua hàng thành nhiều đợt khác nhau kèm theo lời hứa hẹn tính phí thấp hoặc không lãi suất, phê duyệt tín dụng nhanh chóng.

Chính sách này đã thu hút nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi, họ coi "mua trước - trả sau" là một giải pháp thay thế cho thẻ tín dụng. Các công ty tiên phong, như Afterpay, Klarna Bank AB và Affirm Holdings Inc., hợp tác với các thương hiệu thời trang, người nổi tiếng để loại sản phẩm tài chính này trở nên phổ biến trên các ứng dụng và nền tảng thanh toán trực tuyến.

Theo Ủy ban Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB), các doanh nghiệp "mua trước - trả sau" lớn đã tạo ra 180 triệu khoản vay với tổng trị giá 24,2 tỷ USD vào năm 2021, tăng gần gấp 10 lần so với năm 2019.

Mua trước nhưng không thể trả sau

Trong trào lưu này giới trẻ thường có xu hướng bị vỡ nợ hoặc có quá nhiều khoản vay ngoài tầm kiểm soát khi tham gia đặt hàng bằng cách "mua trước - trả sau".

Lời hứa hẹn về việc thanh toán không lãi suất đã khiến các sản phẩm "mua trước - trả sau" trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với Gen Z. Tuy nhiên, hình thức mua sắm này chỉ miễn lãi suất khi bạn tuân theo tất cả các quy tắc được cam kết ban đầu.

CFPB phát hiện ra rằng giới trẻ Mỹ thường có các khoản vay trong tình trạng không trả được nợ hoặc được gửi cho bên thu nợ thứ ba. Khoảng 11% người đi vay đã phải nợ trễ ít nhất một lần trong năm 2021, cao hơn so với năm trước đó. 18% người tiêu dùng trong độ tuổi 18-29 không trả nợ đúng hạn trong năm 2021, theo một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.

Hậu quả lâu dài 

Đối với một số người, việc đắm chìm và bế tắc trong các khoản thanh toán "mua trước - trả sau" có thể gây ra hậu quả lâu dài. 

Briana Gordley, 24 tuổi, cho biết cô không hiểu những cạm bẫy tiềm ẩn khi lần đầu tiên tiếp xúc với hình thức "mua trước - trả sau" tại cửa hàng bán lẻ quần áo thời trang Forever 21.

Chỉ 18 tháng sau, cô gái đến từ Texas đã chi 1.500 USD cho 3 nền tảng và 3 khoản vay để mua các bộ sưu tập thời trang. Briana buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ để chi trả cho các khoản nợ. Thậm chí sau đó, Briana mất hai năm để hồi phục tài chính, tạo một tài khoản tiết kiệm và bắt đầu trả các khoản vay sinh viên của bản thân.  

Mặc dù các khoản thanh toán trễ hạn của Gordley không ảnh hưởng đến điểm tín dụng, nhưng điều đó có thể sẽ không còn đúng với những người sử dụng sản phẩm tài chính này trong tương lai. Các văn phòng tín dụng lớn như Equifax Inc. và Experian Plc cho biết họ sẽ bắt đầu đưa các giao dịch "mua trước - trả sau" vào báo cáo tín dụng của người tiêu dùng.

Gordley chia sẻ với Ủy ban Ngân hàng Thượng viện rằng "mua trước - trả sau" nhắm tới những người vay trẻ tuổi, những người đang trong quá trình học cách quản lý tài chính của bản thân. Đồng thời các sản phẩm "mua trước - trả sau" gần như là "cạm bẫy" nếu các bạn trẻ không nhận thức rõ ràng và không có các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng đúng cách.

Đối với hình thức mua sắm mới này, mối quan hệ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp cần chặt chẽ. Người sử dụng dịch vụ "mua trước - trả sau" cần được tư vấn và nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước khi mua hàng bằng hình thức này.

Theo www.bloomberg.com