Tiếng lóng Gen Z: Ranh giới giữa sự sáng tạo và lệch chuẩn ngôn ngữ
(Dân trí) - Nhiều từ lóng đang được Gen Z sử dụng rộng rãi, làm tăng thêm sự thú vị cho các cuộc trò chuyện đồng trang lứa nhưng đặt trong một bối cảnh khác, sử dụng từ lóng chưa hẳn đã phù hợp.
Thế hệ trẻ, những người có lối sống phong phú đang mang đến cho xã hội cái nhìn mới mẻ trong cách sử dụng ngôn từ mới lạ thông qua từ lóng. Tuy nhiên, thói quen sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ với tần suất quá dày đặc trong giao tiếp cũng tác động không nhỏ đến cách giới trẻ dùng từ lóng, đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Ngôn ngữ thế hệ Gen Z chuyển đổi tiếng Việt sang "teen-code" bằng việc sử dụng những từ ngữ thay thế như: h-k, tr-ck, b-p… Những từ lóng này được coi như ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày do một nhóm người ngầm hiểu và quy ước với nhau.
Một số từ lóng Gen Z
Da dẻ: Cách nói hài hước của từ "ra vẻ". Khẩu ngữ mang hàm ý không làm được nhưng thích khoe khoang, tỏ ra bản thân là giỏi, hoàn hảo.
Khum: Là cách từ chối theo kiểu Gen Z nhưng mức độ nhẹ hơn từ "không", thường được sử dụng trong những cuộc trò chuyện thân mật.
Mai đẹt ti ni: Sử dụng phiên âm tiếng Việt của cụm từ tiếng Anh "my destiny" để chỉ định mệnh của mình.
Ô dề: Là phiên bản nâng cấp của từ "làm lố", làm quá đến mức không giống ai. Cụm từ này không quá thông dụng trước đây, tuy nhiên đối với thế hệ Gen Z, "ô dề" được sử dụng phổ biến để trêu chọc bạn bè.
Là một cô gái thế hệ Gen Z, bạn Thảo Phương cho hay: "Mình cho rằng với việc sử dụng tiếng lóng trong lúc trò chuyện giao tiếp với bạn bè là bình thường.
Trong cuộc trò chuyện, nếu nói chuyện với nhau có thêm tiếng lóng, câu chuyện sẽ trở nên hấp dẫn thú vị hơn, làm cho giao tiếp giữa người với người thêm gần gũi, thân quen. Đối với mình tiếng lóng là một phần không thể thiếu trong một cuộc trò chuyện thú vị".
Với đặc thù của một sinh viên báo chí, Thảo Phương nhận thấy, hiện nay, giới trẻ sử dụng tiếng lóng rất phổ biến, xuất hiện trong tất cả các cuộc giao tiếp hàng ngày của Gen Z.
Phương cho rằng, nếu cuộc sống hiện tại, những từ lóng biến mất, những cuộc trao đổi, trò chuyện dường như trở nên khô khan, thiếu màu sắc.
Bàn về tiếng lóng, bạn Vân Anh thấy khá thú vị về cách sử dụng từ lóng của Gen Z. Tiếng lóng làm cho cách nói chuyện của mình thêm sống động, mang nhiều màu sắc, tươi vui.
Tuy nhiên, Vân Anh cho rằng: "Sử dụng tiếng lóng nhiều quá khiến các bạn trẻ quên mất định nghĩa ban đầu cả từ ngữ đó. Trong một số văn bản, văn phong, cuộc trò chuyện nghiêm túc những người lớn tuổi sẽ không hiểu".
Ranh giới giữa sự sáng tạo và lệch chuẩn ngôn ngữ
Với vai trò là một bậc phụ huynh có con trong độ tuổi Gen Z và đồng thời là người giáo viên dạy Văn có hơn 30 năm tuổi nghề, cô Nguyễn Hiền chia sẻ: "Tôi nghĩ tiếng lóng là sự sáng tạo của giới trẻ.
Tuy nhiên các bạn chỉ nên sử dụng tiếng lóng với bạn bè, những người ngang tầm với lứa tuổi của mình, không nên sử dụng trong giao tiếp với người lớn tuổi gây thiếu tôn trọng, hay trong văn bản hành chính".
Cô Hiền thấy rằng, có nhiều bạn trẻ sử dụng tiếng lóng ở mọi lúc mọi nơi, mọi trường hợp, có những bạn sử dụng tiếng lóng khi nói chuyện với bố mẹ. Tiếng lóng không xấu nhưng khi sử dụng, các bạn nên chú trọng trong từng hoàn cảnh khác nhau.
"Tuy thế hệ trẻ được sống trong thời đại mới, nhưng chúng ta vẫn phải gìn giữ, phát huy vẻ đẹp truyền thống của tiếng Việt. Xã hội hiện nay có một bộ phận lạm dụng từ lóng quá mức, sử dụng từ ngữ quá nặng nề, không phù hợp sẽ mang đến hậu quả không lường trước, gây nên những vụ công kích, đả kích nhau, gây thù hằn, nặng hơn là những vụ tác động vật lý không mong muốn", cô Hiền nói.
Với xu hướng chạy theo đám đông, giới trẻ dường như đang đánh mất ý nghĩa ban đầu của tiếng lóng. Sáng tạo tiếng lóng Gen Z chủ yếu để làm phương tiện giao tiếp của giới trẻ thêm thú vị, tạo ra thời đại mới đánh dấu sự phát triển của khoa kỹ thuật cùng sự thông minh, vận dụng tốt của giới trẻ. Trong khi một số Gen Z mượn việc chế từ lóng làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Cô Hiền nhận định: "Trong vấn đề lệch chuẩn ngôn ngữ của giới trẻ, gia đình là phần tử đóng vai trò không nhỏ trong việc định hướng, giáo dục cho con em mình trong việc giao tiếp, đối nhân xử thế trong xã hội, để các em không có suy nghĩ lệch lạc, cách cư xử không phù hợp với xã hội.
Tất cả mọi vấn đề đều mang tính chất hai mặt. Bởi vậy hãy là một Gen Z đúng nghĩa, sử dụng lời nói, ngôn từ phù hợp với từng đối tượng, trường hợp để không bị lạm dụng từ lóng".