Xem bảng quy định tiền phạt nhiều hơn cả tiền lương, Gen Z "chốt": Nghỉ việc

Đoàn Linh

(Dân trí) - Mắc lỗi là chuyện mà ai cũng sẽ gặp phải khi đi làm, nhưng thay vì nhắc nhở và cho họ cơ hội sửa chữa, nhiều cửa hàng áp dụng thẳng tay bảng tiền phạt dài hơn "tờ sớ".

Mức phạt quá nặng và không đáng có

Gần đây, trên mạng xã hội đang lan truyền bức ảnh chụp bảng quy định tiền phạt dành cho nhân viên của một quán ăn. Đáng nói là, mức lương của nhân viên chỉ 15.000 đồng/giờ, nhưng các hình phạt nhẹ nhất là 50.000 đồng, nặng nhất là 100.000 đồng/lần phạm lỗi.

Xem bảng quy định tiền phạt nhiều hơn cả tiền lương, Gen Z chốt: Nghỉ việc - 1

Bức ảnh gây sốt cộng đồng mạng (Ảnh: C.T).

Đứng trên vị trí một người quản lý, anh Nguyễn Minh Tuấn (quản lý tại một dịch vụ sửa chữa xe nổi tiếng tại Hà Nội) chia sẻ: "Cá nhân mình thấy đây là mức phạt quá nặng và không đáng có.

Trước hết nói về tâm lý con người, ai đi làm cũng mong sẽ nhận được mức lương xứng đáng với công sức do mình bỏ ra.

Với mức lương chỉ 15.000 đồng/giờ thì mình nghĩ mức phạt từ 5-10.000 đồng/lỗi đã là rất cao rồi. Chứ đừng nói là mức phạt thấp nhất của họ đã gấp rưỡi hoặc gấp 4 lần tiền lương một giờ.

Chất lượng làm việc chưa biết liệu có cải thiện hay không nhưng chắc chắn nhân viên sẽ nhanh chán nản và mất tinh thần làm việc. Họ sẽ sinh ra tâm lý bất mãn, thậm chí ghét hay thù hằn quản lý và cả cửa hàng".

Tuấn cho biết rằng, bạn thấy việc sửa chữa lỗi tại quán ăn dễ hơn rất nhiều.

"Ví dụ việc bạn bưng bê nhầm đồ cho khách, bạn có thể thực hiện xin lỗi và sửa chữa ngay tại quán. Mình nghĩ đa phần đều là sinh viên đi làm nên khách hàng cũng sẽ dễ dàng bỏ qua.

Xem bảng quy định tiền phạt nhiều hơn cả tiền lương, Gen Z chốt: Nghỉ việc - 2
"Mình nghĩ đa phần đều là sinh viên đi làm nên khách hàng cũng sẽ bỏ qua" (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Còn với đặc thù công việc của mình thì khó hơn, nếu thợ lắp sai linh phụ kiện cho khách thì thời gian đầu có thể khách đi lại vẫn tốt, thời gian sau mới bắt đầu trục trặc. Hậu quả sau đó sẽ là công ty phải chịu trách nhiệm khắc phục", Tuấn nói.

Với cương vị là người quản lý, Tuấn cho biết tuyển được nhân viên "cứng" tay nghề rất khó, mà nếu cứ làm khó dễ nhân viên của mình thì sẽ dẫn đến họ làm việc chỉ cho có, thậm chí nghỉ việc luôn. Nên đôi khi anh còn phải "nịnh" nhân viên để họ làm việc thật tốt và có tâm.

Anh Tuấn cho biết mối quan hệ giữa anh và nhân viên là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, một bên thì cần nhân lực, một bên thì cần kiếm sống, không nên cứng nhắc với họ quá. Nhân viên tại cơ sở sữa chữa và bảo dưỡng xe của anh Tuấn khi làm sai sẽ bị 3 lần nhắc nhở rồi mới đến bước phạt tiền.

Mức phạt cần phải tương xứng với mức lương

"Với mức phạt 100.000 đồng/lần mà mức lương chỉ 15.000 đồng/giờ thì quả thực là không đủ xăng xe đi lại", bạn Nguyễn Thị Trà My (nhân viên bán hàng tại một thương hiệu thời trang thể thao) khẳng định.

"Mình đồng tình là nên có hình phạt khi nhân viên mắc lỗi, vì đứng trên phương diện là một doanh nghiệp thì họ sẽ luôn phải đặt chất lượng của doanh nghiệp lên hàng đầu.

Số lượng doanh nghiệp, công ty tăng lên mỗi ngày, đồng nghĩa với việc cạnh tranh cũng tăng lên. Chính vì thế mà họ cũng phải nâng cao chất lượng dịch vụ mỗi ngày, nên họ cũng phải quản lý nhân viên chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên với mức lương 15.000 đồng/giờ mà mức phạt lên đến 100.000 đồng/lần thì quả thực rất thiệt cho nhân viên. Họ đi làm để kiếm sống chứ không phải để sát phạt nhau", Trà My nhận định.

Trà My cho biết rằng công việc hiện tại của mình đang làm có mức lương 20.000 đồng/giờ, ngoài ra còn được thêm phần trăm khi chốt đơn thành công cho khách. Mức phạt cửa hàng của cô đang áp dụng là 50.000 đồng/lần đóng thiếu đồ, chốt sai đơn cho khách.

Xem bảng quy định tiền phạt nhiều hơn cả tiền lương, Gen Z chốt: Nghỉ việc - 3
Bị trừ lương hoặc bị khiển trách gay gắt sẽ khiến bản thân thất vọng, chán nản (Ảnh minh họa: iStock).

"Đối với mình, mức phạt ở chỗ làm hiện tại là hợp lý, bởi vì thứ nhất là mình có mức lương khá cao so với mặt bằng chung. Thứ hai là vì đặc thù của việc mua/bán hàng online. Khi mình đóng thiếu đồ cho khách thì mình sẽ là người phải chịu phí vận chuyển để chuyển bù đồ cho họ.

Nên tiền đó coi như là mình phải chịu tiền vận chuyển cho khách thôi, chứ không phải là gì quá đáng. Mức phạt cần phải tương xứng với mức lương.

Lương ít thì chỉ chịu phạt ít thôi, còn lương nhiều thì có thể chịu được mức phạt cao hơn. Chuyện lương 15.000 đồng/giờ mà phạt 100.000 đồng/lần là vô lý. Họ cũng cần tiền để sống. Nếu là mình chắc chắn mình sẽ nghỉ việc", Trà My bày tỏ.

Theo Trà My, một người bạn cũng là sinh viên đi làm thêm bán thời gian nên đôi lúc mắc lỗi cũng rất mong được quản lý nhắc nhở nhẹ nhàng, động viên để lần sau có thể sửa chữa lỗi lầm.

Cô bạn cho rằng nếu bị trừ tiền lương hoặc là khiển trách gay gắt trước mặt tất cả mọi người sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý, khiến nhân viên trở nên thất vọng, chán nản, thậm chí là sẽ muốn nghỉ việc.

Cô nói: "Đối tượng đi làm thêm đa số đều là sinh viên như mình, có những bạn lần đầu đi làm, lần đầu va chạm với xã hội nên sẽ không tránh khỏi việc mắc phải sai lầm. Cũng không ai cố tình làm sai cả, các cửa hàng đều nên cân nhắc những hình phạt phù hợp hơn".

Mức phạt và mức lương này hợp lý để... đổi công việc khác

Xem bảng quy định tiền phạt nhiều hơn cả tiền lương, Gen Z chốt: Nghỉ việc - 4
Bạn Nguyễn Phương Thảo, nhân viên bán hàng tại cửa hàng thú cưng (Ảnh: NVCC).

Bạn Nguyễn Phương Thảo (nhân viên bán hàng tại cửa hàng thú cưng) chia sẻ bạn cũng đã từng trải qua những hoàn cảnh tương tự, thậm chí còn kinh khủng hơn.

"Mình vẫn nhớ lúc mới vào đại học, mình xin việc tại một cửa hàng bán quần áo nho nhỏ gần nhà để kiếm thêm thu nhập. Đổi lại là cửa hàng yêu cầu thành thạo Tiếng Anh để bán cho cả khách nước ngoài, nhưng lương chỉ trả 16.000 đồng/giờ.

Ngày ấy cũng chưa có kinh nghiệm gì nhiều, nên mình cứ làm thôi. Nhưng chị quản lý thì soi mói hết lỗi này đến lỗi kia, yêu cầu thì rất cao nhưng trả lương thì quá bèo.

Mình làm bán thời gian một tháng, dự tính lương được khoảng 1.600.000 đồng, xong cuối tháng nhận lương được đúng 1.000.000 đồng, vì chị ấy trừ hết các lỗi lặt vặt. Nên mình tự thấy mức phạt và mức lương này hợp lý để... đổi công việc khác. Do vậy, mình đã nghỉ luôn", Thảo kể.

Thảo cho hay: "Hiện tại thì mình đang làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng thú cưng. Cửa hàng của mình cũng có bảng phạt, nhưng phạt ít lắm, chủ yếu là sẽ được các anh chị quản lý nhắc nhở".

Thảo tâm sự rằng cũng nhiều người bị ghi vào bảng phạt, nhưng đến cuối tháng anh chị quản lý thấy mọi người cố gắng và khắc phục tốt thì vẫn có thể xóa lỗi. Tuy dễ dãi nhưng cô và đồng nghiệp đều biết "sợ" và làm việc rất cẩn thận.

Xem bảng quy định tiền phạt nhiều hơn cả tiền lương, Gen Z chốt: Nghỉ việc - 5

Không chỉ cửa hàng của Thảo mà nhiều cửa hàng khác cũng yêu cầu trình độ rất cao nhưng trả mức lương không xứng đáng (Ảnh: B.V.N).

"Theo mình thì "lạt mềm buộc chặt". Khi quản lý mềm mỏng thì bọn mình sẽ càng thoải mái tinh thần, nghe lời và tập trung công việc hơn, mình luôn luôn thấy nhẹ nhàng và vui vẻ khi đi làm.

Còn mình nghĩ đối với người càng cứng nhắc, luôn luôn thẳng tay sát phạt nhân viên thì khi đi làm mọi người sẽ luôn căng thẳng, áp lực và kết quả là hiệu suất công việc không được như mong muốn", Thảo bộc bạch.