DMagazine

Cùng người mình yêu vượt qua "cơn khủng hoảng" rối loạn tâm lý

(Dân trí) - Rối loạn tâm lý có những ảnh hưởng tiêu cực đến mặt cảm xúc và tình cảm, ngay cả với tình yêu. Không có gì sai trái khi yêu một người mắc chứng rối loạn tâm lý. Nhưng liệu rằng tình yêu đó sẽ ra sao?

Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 1

Bạn Hoàng Dũng (20 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ về chuyện tình của mình: "Bọn mình yêu nhau vào thời gian nghỉ dịch Covid-19, bạn ấy có chia sẻ là bản thân đang mắc chứng rối loạn tâm lý, cụ thể là rối loạn lưỡng cực và trầm cảm nhẹ. Nhưng mình nghĩ do ở nhà lâu quá đâm ra chán nản nên cũng không để ý lắm.

Khi bọn mình gặp nhau và đi chơi vẫn bình thường và vui vẻ, thậm chí người ngoài nhìn vào không thể phát hiện bạn ấy đang có vấn đề về tâm lý.

Mình bắt đầu thấy lạ lẫm khi nghe bạn ấy nói chuyện với mẹ, cuộc trò chuyện ấy cứ lặp đi lặp lại những câu hỏi như: Hôm nay con làm gì? Con ăn gì? Con đi đâu,... Và mình cảm thấy mẹ bạn ấy đang kiểm sát quá đà. Dù thấy lạ nhưng mình vẫn không để ý nhiều.

Vào một hôm, chúng mình có tranh luận về một lần mắc lỗi của cả hai, bạn ấy bắt đầu có những biểu hiện rõ ràng của người bị rối loạn tâm lý. Những lần trước chúng mình cũng có cãi vã, nhưng toàn là những vấn đề nhỏ chứ không nghiêm trọng như lần này.

Hôm ấy mình vô tình đọc được tin nhắn cũ của bạn ấy, vừa lúc thấy bạn đi học về nên mình hỏi thẳng. Sau đó cuộc tranh luận bắt đầu diễn ra.

Đang tranh luận về vấn đề đó thì bạn ấy bắt đầu có những biểu hiện: Ôm đầu, giật tóc, khóc, không cho ai chạm vào người, miệng nói không muốn sống nữa, còn bảo muốn nhìn người khác đau khổ giống mình,...

Rồi bạn ấy tiến đến bóp cổ mình, lúc đó mình cũng hoảng loạn lắm nhưng không dám phản ứng mạnh vì sợ bạn ấy kích động thêm.

Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 3

Sau đó mình cố gắng để cả hai cùng bình tĩnh lại. Khi mình nhận thấy bạn đã trở về trạng thái bình thường thì cả hai không ai đề cập đến chuyện đó nữa.

Ít lâu sau, khi chúng mình đang đi trên đường, mình nhắc lại chuyện hôm đó. Bạn ấy đứng khựng lại, ôm đầu rồi khóc, một lúc sau bạn ấy định lao ra đường may mà mình kịp thời giữ lại. Sau đó mình đưa bạn về tận nhà, vì sợ bạn lại có suy nghĩ tiêu cực".

Hoàng Dũng cho biết từ khi bạn xuất hiện những biểu hiện như vậy, mối quan hệ của hai người cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Cả hai không còn hứng thú đi chơi hay nói chuyện nhiều như trước.

Bạn Nguyễn Hoàng Việt (22 tuổi, Hải Phòng) cũng có người yêu mắc trầm cảm. Việt tâm sự: "Hồi mới yêu mình không biết gì về bệnh tình của bạn gái cả, yêu nhau một thời gian sau mình mới phát hiện ra.

Đó là khoảng thời gian tình cảm của cả hai chưa được ổn định, vẫn còn nhiều cãi vã và hiểu lầm. Cứ mỗi lần cãi vã người yêu mình hay nói chia tay, mình nghĩ do bạn ấy chán nên mới nói vậy, nhưng sau đó mình mới biết do bị trầm cảm nên bạn ấy mới hành xử như vậy.

Từ khi biết được chuyện đó, mình suy nghĩ rằng nếu muốn yêu đối phương thì phải chấp nhận thay đổi cách sống, cách sinh hoạt. Vì chúng mình sống chung nên thói quen sinh hoạt và cách giao tiếp với nhau rất quan trọng.

Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 5

Mình thấy rằng một người bị trầm cảm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của họ. Bạn ấy thường xuyên cảm thấy buồn, mệt mỏi, đau người, tự ti và cảm thấy bản thân mình vô dụng. Vì lo cho bạn gái nên đôi lúc mình phải bỏ dở công việc để quan tâm đến bạn.

Những lúc đến thời kỳ trầm cảm, bạn ấy sẽ hạn chế đi lại, ở trong môi trường ít ánh sáng, không muốn tiếp xúc với ai và không muốn đi làm. Cùng lúc đó, bạn ấy ở trong tình trạng suy nghĩ không được đúng đắn, nên chúng mình cãi nhau với những lý do rất vô lý. Đôi khi bạn ấy không kiểm soát được cảm xúc của mình. Bạn ấy thường đánh vào tay, hay là cấu mình".

Việt cho biết bản thân anh cũng là một người hay lo âu, tự ti về bản thân. Đến khi gặp được người yêu hiện tại và biết về chứng rối loạn tâm lý đó, anh đã cố gắng tiết chế cảm xúc tiêu cực của bản thân.

Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 7

Nhiều người lo ngại rằng khi yêu người bị rối loạn tâm lý có thể bị hành hung hay bạo lực, vậy người bị rối loạn tâm lý có gây hại cho người yêu của họ không?

Trong một nghiên cứu của Thụy Điển vào năm 2015 trên hơn 47.000 người để tìm mối liên hệ giữa trầm cảm và hành vi bạo lực (Fazel, 2015). Kết quả cho thấy có mối liên quan giữa trầm cảm và tăng nguy cơ hành vi bạo lực. Nhưng các số liệu cho thấy việc gia tăng này là không đáng kể so với các yếu tố tâm lý - xã hội khác như trải qua bạo lực gia đình, tiếp xúc nhiều với bạo lực trong thời thơ ấu, căng thẳng kinh tế, lạm dụng rượu và chất kích thích.

Chuyên viên Tâm lý lâm sàng Nhiêu Quang Thiện Nhân (Giảng viên thỉnh giảng khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM) lý giải cho câu hỏi người bị rối loạn tâm lý phổ biến như trầm cảm có gây hại cho người yêu của họ không: "Rối loạn tâm lý có thể khiến tâm trạng một người trở nên tồi tệ, không còn hứng thú với mọi việc, đôi khi là chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực của bản thân.

Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 10

Vì vậy, trong một vài trường hợp có thể khiến họ mất khả năng kiểm soát hành động của bản thân. Thế nhưng việc ta kết luận người mắc chứng rối loạn tâm lý thường hay gây hại cho người khác đặc biệt là người yêu của họ mà bỏ qua các yếu tố khác là hoàn toàn thiếu cơ sở. Có một số lượng không nhỏ những người trải qua rối loạn tâm lý được báo cáo là nạn nhân của bạo lực và lạm dụng".

Trong số các chứng rối loạn tâm lý, trầm cảm là một trong những tình trạng sức khỏe phổ biến trên thế giới; Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 300 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với trầm cảm.

Chuyên gia Thiện Nhân cho biết: "Trên thực tế, mỗi năm có khoảng 19,4 triệu người trải qua ít nhất một giai đoạn trầm cảm. Theo đó, một ai đó bạn biết hoặc ngay cả chính người yêu của bạn vẫn có thể hoặc sẽ phải "vật lộn" với "cơn khủng hoảng" mỗi sáng vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Vì vậy, việc chúng ta chung sống với người bị rối loạn tâm lý là điều hoàn toàn bình thường".

Bằng những trải nghiệm thực tế khi yêu người bị rối loạn tâm lý, bạn Hoàng Dũng cho rằng: "Nếu mình cảm thấy người đó đủ tốt và đã yêu họ rồi thì vấn đề về tâm lý không phải là thứ cản trở hai người đến với nhau. Mình luôn muốn ở bên để cùng bạn chữa lành và cố gắng để giúp cả hai tốt lên mỗi ngày. Chứ khi biết được vấn đề đó mà bỏ đi thì khiến cho đối phương nghĩ là do bản thân bị bệnh nên không ai cần mình.

Dù biết bản thân sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng mình luôn cố gắng giảm sự tiêu cực nhất có thể khi ở cạnh bạn ấy. Vì nếu như đang tiêu cực mà gặp người dễ tiêu cực thì rất dễ làm tổn thương đến cả hai.

Theo mình, khi yêu một người bị trầm cảm hay rối loạn tâm lý chính là một thử thách xem bản thân có đủ kiên nhẫn hay tình yêu của mình có đủ lớn để ở cạnh người mình yêu hay không".

Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 11

Yêu người bị rối loạn tâm lý cần rất nhiều sự kiên nhẫn và khả năng lắng nghe (Ảnh minh họa: Getty Images).

Hoàng Việt cho rằng việc quyết định tiếp tục hay dừng mối quan hệ với bạn gái mắc chứng rối loạn tâm lý còn tùy thuộc vào khả năng của bản thân. Nên đặt ra những câu hỏi như: Mình có chịu đựng được không? Mình đã có đủ kiến thức để ở bên một người trầm cảm chưa? Mình có phải là người biết cảm thông và sẻ chia không?

Với người đã có một chút kiến thức rồi sẽ biết phải làm gì khi người yêu mình đến thời kỳ bị rối loạn, mình sẽ biết và kiểm soát được, vì đã nhận thức được vấn đề sẽ xảy ra thì sự chuẩn bị sẽ tốt hơn.

"Yêu người bị rối loạn tâm lý phải kiên nhẫn, biết lắng nghe. Và phải biết cách giảm thiểu cảm xúc tiêu cực của bạn gái.

Mình cảm thấy đã là bất kỳ một cá nhân nào cũng có quyền được yêu thương và yêu thương. Mình nghĩ điều quan trọng nhất là làm sao để yêu một người bị rối loạn tâm lý sao cho tốt nhất", Việt nói.

Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 13
Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 15

Chuyên gia tâm lý Thiện Nhân cho biết: "Thời gian đầu bên cạnh luôn là thời điểm khó khăn nhất khi mọi thứ đều dường như bị xáo trộn. Thế nhưng, nếu biết cách, bạn hoàn toàn có thể xử lý từng thứ một và cùng đối tác của mình đi qua những giai đoạn khó khăn nhất, điều này có thể vô cùng có ý nghĩa cho mối quan hệ của cả hai.

Điều quan trọng nhất bạn cần chú ý là việc giúp người yêu mình vượt qua "cơn khủng hoảng" không phải là trách nhiệm của mỗi mình bạn. Hãy tìm những nguồn thông tin uy tín để hiểu đúng về rối loạn tâm lý. Khuyến khích đối tác mình liên hệ với những nơi cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về tâm lý và sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ một cách chuyên nghiệp và phù hợp. Vì rối loạn tâm lý không phải là nỗi buồn đơn thuần chỉ cần bạn và người mình yêu "cố gắng" là sẽ vượt qua được. Vì đây là một vấn đề sức khỏe tinh thần thật sự".

Chuyên viên Tâm lý lâm sàng Nhiêu Quang Thiện Nhân đã nghiên cứu, tham khảo và đưa ra một vài gợi ý để yêu người mắc chứng rối loạn tâm lý một cách tốt nhất. Một vài gợi ý để bắt đầu như là:

Tìm hiểu về rối loạn tâm lý

Bước đầu tiên nên làm là tìm hiểu thêm về rối loạn tâm lý và các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe và cảm xúc. Có rất nhiều quan niệm sai lầm được lưu truyền rộng rãi về rối loạn tâm lý, vì vậy việc bạn chủ động tìm hiểu thông tin từ các nguồn uy tín.

Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 18

Sau đó, khuyến khích đối tác chia sẻ kinh nghiệm khi trải qua cơn rối loạn của họ. Việc lắng nghe và hiểu những gì họ đang "vật lộn" là vô cùng quan trọng. Khi bạn đã có đủ thông tin về rối loạn tâm lý, bạn có thể cho đối tác biết những gì họ trải qua là một phần của rối loạn tâm lý và khuyến khích họ tìm kiếm những cách điều trị phù hợp từ chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ.

Bắt đầu với những chăm sóc đơn giản nhất

Là bình thường khi chúng ta cảm thấy đau lòng sau mỗi ngày thấy người mình yêu "vật lộn" với cơn khủng hoảng. Đôi khi là "sốt ruột" mong muốn mọi thứ đi qua thật nhanh, nhưng đó không phải là điều chúng ta có thể kiểm soát.

Vì thực tế cho thấy, rối loạn tâm lý tác động đến mỗi người theo mỗi cách khác nhau. Thế nên điều tốt nhất bạn có thể làm là nói chuyện với đối tác của mình và hỏi xem họ cần gì. Hỏi xem bạn có thể làm gì để giúp họ cảm thấy tốt hơn. Đôi khi những thứ đơn giản nhất sẽ đem lại những tác động quan trọng nhất.

Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 19

Song song với đó là duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ và giữ mọi thứ ổn định nhất có thể. Lên kế hoạch những hoạt động trong vùng thoải mái của cả hai để giúp họ kết nối lại với bản thân họ và mối quan hệ của cả hai.

Chăm sóc bản thân

"Bạn không thể chăm sóc người khác khi bản thân đang kiệt sức cả về thể chất hoặc tinh thần". Đồng hành với người bị rối loạn tâm lý luôn là hành trình thử thách vì sẽ có thời điểm bạn sẽ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và không thể tránh khỏi việc lo lắng cho đối tác của mình.

Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 21

Đặt sức khỏe tinh thần của bản thân lên hàng đầu không phải là ích kỷ. Trên thực tế, làm như vậy sẽ cho phép bạn hỗ trợ đối tác tốt hơn vì bạn sẽ có năng lượng, sức lực và sự tập trung để đồng hành cùng họ.

Chăm sóc bản thân không nhất thiết phải là điều gì đó cao siêu và xa xỉ. Có những điều bạn có thể làm mỗi ngày để tăng cường sức khỏe tinh thần của mình như tập thể dục, yoga, thực hành chánh niệm, dành thời gian viết nhật ký cá nhân, ưu tiên giấc ngủ, thực hiện các hoạt động mà bạn yêu thích, …

Tìm kiếm những nguồn lực có thể hỗ trợ

Hãy luôn nhớ rằng bạn không đơn độc. Bạn hoàn toàn có thể nói chuyện với người mà mình tin tưởng về cuộc sống hằng ngày của bạn, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân cũng như là những gì bạn đang tìm cách giải quyết.

Cùng người mình yêu vượt qua cơn khủng hoảng rối loạn tâm lý - 23

Chia sẻ với những cảm xúc, suy nghĩ với người bạn tin tưởng (Ảnh minh họa: Getty Images).

Đôi khi người đó cũng có thể là chuyên viên tâm lý của riêng bạn. Bạn không cần phải gánh vác gánh nặng của mối quan hệ trên vai hoặc hy sinh hạnh phúc của mình để hỗ trợ đối tác. Bạn có thể yêu họ và hỗ trợ họ trong khi vẫn chăm sóc bản thân.

Nội dung: Lê Nga

Thiết kế: Thủy Tiên