Sống xanh ở nội đô: Dễ hay khó?
Chỉ trong khoảng 10 năm qua, có thể nhận ra sự phát triển như vũ bão của Thủ đô Hà Nội thông qua những đồ án hạ tầng, những quy hoạch giao thông, những dự án nhà ở. Hưởng lợi lớn nhất và rõ nhất, là cư dân Hà thành với nhu cầu an cư ngày càng gia tăng cả về chất và lượng. Không còn là xu thế, sống xanh trong nội đô đã thành “đích ngắm” của đại bộ phận người mua nhà. Nhưng, dễ hay khó?
Tặc lưỡi chấp nhận: Có ngay!
Nói không quá rằng, hiện nay, chỉ cần “tặc lưỡi” là có ngay sản phẩm nhà ở được khoác thương hiệu “xanh”, “Eco”, “Green”. Tuy nhiên, điều chúng ta đang đề cập ở đây là “menu” sản phẩm căn hộ chung cư thời điểm hiện tại chứ không bình luận về nhận thức, hiểu biết hay sự dễ dãi của người mua.
Thực tế, bao quát từ vành đai 2,5 vào trong nội đô lịch sử, hầu như những dự án mới ra đời (hoặc đang xây dựng hoặc mới chỉ khởi công mặt bằng) đều ít nhiều được chủ đầu tư tạo điểm nhấn bằng yếu tố xanh nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Điều này, có thể lý giải bởi những cơn sốt hàng (mặc dù thực tế cơn sốt này một phần được tạo nên bởi hiệu ứng của giới kinh doanh BĐS) mới diễn ra từ cuối 2016. Đó là dự án có tên bắt đầu từ “Eco” (đặt tại trục đường Lê Văn Lương kéo dài) mang lại thành công “ngoài tưởng tượng” cho chủ đầu tư. Và cũng gần như ngay sau đó, DN này đã mau mắn công bố những tiêu chuẩn “xanh” (được quốc tế công nhận) trước khi dồn dập triển khai 2 dự án tương tự ở Long Biên và Tây Hồ…
Đâu đó, vẫn có người nghi ngờ về “chiếc áo không làm nên thầy tu” khi DN sẽ phải bỏ ra tỷ lệ chi phí khá lớn để đạt được đúng chuẩn “xanh” cho dự án. Nhưng số đông khách hàng đều ưng các sản phẩm kiểu này với mức giá trên 30 triệu đồng/m2.
Dự án mang “họ Eco” tiếp tục được nhân rộng như một điển hình sống động về thị hiếu sống xanh và trở thành đích ngắm phát triển của chủ đầu tư (Eco Green Tower, Eco Green City, Eco Lakeview…). Thậm chí, một siêu cường thuở những năm 2008-2009 như Nam Cường cũng bất ngờ âm thầm trở lại để nhảy vào dòng chảy “sống xanh” với dự án Anland Comlex (thuộc KĐT Dương Nội).
Hay một trường hợp khác, được coi là “ăn theo” quả ngọt mang tên Mandarin Garden (Hoàng Minh Giám, quận Thanh Xuân) nhiều năm trước, năm 2016 chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh phát triển dự án Mandarin Garden 2 tại Tân Mai (quận Hoàng Mai). Đương nhiên, cảm hứng và chìa khóa thành công ở đây chính là yêu tố xanh thông qua tên gọi “Garden”.
Quy đồng mẫu số “xanh”, sự lựa chọn chung cư cho người mua thật sự rộng mở. Càng dễ dàng hơn, khi giá trị của những sản phẩm kiểu này đang tiệm cận ở mức chung (trung bình 2-2,5 tỷ đồng/căn) – khá tương ứng với khả năng tài chính hiện tại của đại bộ phận người mua.
Nhưng, sống xanh giữa nội đô – trong khu trung tâm với điều kiện hạ tầng xã hội, kỹ thuật cơ bản hoàn hảo, lại là câu chuyện rất khác.
Chung cư cao cấp, khác gì nhà ở xã hội?
Tôi làm công việc được may mắn tiếp xúc với đầy đủ các thành phần những người mua nhà ở Thủ đô. Cán bộ công chức, lao động thời vụ, nhân viên văn phòng, hay đặc biệt là những “đại gia” lắm tiền nhiều của, đều có góc nhìn, chiêm nghiệm riêng về cuộc sống trong chung cư ngày nay. Đáng suy ngẫm, là đôi dòng tản mạn về chất lượng hưởng thụ cuộc sống “xanh” ở những chung cư trong nội đô.
Trong góc quán cà phê tại đường Nguyễn Huy Tưởng, tụ hợp một nhóm những người bạn luận bàn, so bì về giá trị thụ hưởng giữa các chung cư xanh. Ông Minh, một cán bộ ngân hàng trạc ngoài 40 tuổi, khẳng định: “Đến giờ, tính trong các quận nội đô lịch sử, may ra chỉ đếm được một vài chung cư/quần thể đúng nghĩa “sống xanh”. Như Mandarin Garden, Thăng Long Number One, Home City, Time City… Còn lại, hiếm lắm”.
Từng làm việc ở Nhật Bản và Mỹ nhiều năm, hiện công tác ở đơn vị kiểm toán nội, ông Quyết phân tích: “Khái niệm xanh cũng tương đối và rất nhiều bộ tiêu chuẩn. Bởi, đâu phải chỉ có cảnh quan sân vườn, tiểu cảnh đã là xanh; tiết kiệm năng lượng là xanh… Đảm bảo cuộc sống sinh thái, tránh xa bụi bặm một cách tự nhiên từ cổng vào quần thể cho tới trong phòng ngủ mới cần chú ý. Mà những dự án chung cư kiểu này trong nội đô đang rất ít lựa chọn cho chúng ta”.
Tựu lại, đây đều là những người thuộc độ tuổi lao động tốt nhất với khả năng tài chính chủ động hàng tỷ đồng. Mỗi cá nhân cũng đang sinh sống ở các căn hộ chung cư được thiết kế“xanh hóa” trong quận nội đô. Tuy vậy, thỏa mãn về cái gọi là“sống xanh trong nội đô” giữa 4 bức tường căn chung cư cao cấp (trị giá nhiều tỷ đồng) thì vẫn là điều …mong mỏi.
Xin dẫn ra vài lời phàn nàn như sau. Người thì than: “Vài bước là ra tới mặt đường Trường Chinh, nhưng bất tiện lắm. Muốn đi bơi, hay dạo mát trong công viên cây xanh, lại phải ra bể bơi hoặc công viên Thống Nhất. Nói là cao cấp, mà hưởng thụ chẳng khác gì bình dân”.
Kẻ lại thở dài rằng: “Ở một chung cư siêu cao cấp mà cứ phải đi ngắm nhạc nước, chơi công viên “ké” của dự án đối diện thật sự xấu hổ anh ạ. Mà giá thành cũng tương tự nhau. Thế mới biết, bỏ tiền tỷ ra chưa chắc đã được sống xanh”.
Và trong câu chuyện chè nước, nhưng bình luận hăng hái về cuộc sống xanh giống như ở dự án Imperia Garden tại 203 Nguyễn Huy Tưởng vẫn được đưa ra bình luận. Nhưng ưu điểm như: nằm ở vị trí trung tâm quận Thanh Xuân, quy mô không quá dày, nhưng quan trọng, toàn bộ các căn hộ cho tới lối đi, sân vườn, bể bơi, vườn treo… đều được thực hiện theo hướng “xanh hóa” chuẩn mực tnhằm giúp người dân “quên” đi bụi bặm mệt nhọc sau mỗi ngày làm việc.
Có đôi ba tiếng thở dài, tiếc rằng, dự án này đã gần như không còn sản phẩm để bán. Thế mới hay, sống xanh đúng nghĩa trong lòng nội đô chưa bao giờ là dễ. Ngay cả với người giàu!