Ngọt lành chè khoai cánh tiên Bình Thuận

Chè chín, bạn sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn trong nồi chè, mùi thơm của khoai cánh tiên, quyện lấy mùi thơm ngạt ngào của lá dứa...

Dì tôi lấy chồng xa rồi lập nghiệp ở Bình Thuận. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm dì, mỗi lần tôi về, dì hay nấu nhiều món ngon. Nhưng món ăn để tôi quyến luyến, nấn ná rồi thương vị, nhớ hương lại là món chè dân dã: Chè cánh tiên. Dì tôi bảo: “Chỉ ở Bình Thuận mới có thứ khoai ngon thiệt là ngon này. Vì thế chè khoai cánh tiên cũng chỉ duy nhất ở Bình Thuận mới có”.

Ngọt lành chè khoai cánh tiên Bình Thuận

Chừng 7 năm tôi mới có dịp trở lại Bình Thuận thăm dì trong một dịp công tác. Dì đón cháu gái phương xa vẫn bằng chén chè khoai cánh tiên giản dị mà nghe rưng rưng thương nhớ.

Không phải vì cái “duy nhất” mà dì nói tôi mới thấy món chè khoai cánh tiên hấp dẫn mà sự hấp dẫn ấy toát ra từ chính vị bùi, độ dẻo và hương khoai thơm ngát. Nhưng niềm thương nỗi nhớ món chè dân dã cứ đọng lại trong lòng thế thôi; vì ngại đường xa, vì công việc cứ cuốn tôi đi nên cũng đã lâu tôi không về thăm dì, để được bé bỏng trong vòng tay của dì, cầm chén chè khoai cánh tiên ăn ngon lành như một đứa trẻ.

Khoai cánh tiên là loại khoai có hình dạng giống khoai môn, khoai sáp là loại khoai chỉ có ở vùng Bình Thuận. Có hai loại củ: củ liền nhau hình bàn tay xòe là khoai đúng mùa trông rất đẹp (bởi thế mới có tên gọi là khoai cánh tiên) và củ tròn (do đào sớm chưa kịp nẩy những củ phụ). Lớp vỏ ngoài giống như khoai môn, lột lớp vỏ nâu ấy là lớp thịt khoai màu ánh vàng.

Thường thì khoai chỉ nặng 100gr đến 200gr, củ lớn nhất nặng khoảng 300gr. Nếu gặp nắng đều khoai ăn rất thơm và dẻo, còn khi gặp mưa khoai nấu sẽ sượng. Khi chế biến chè khoai cánh tiên cần chú ý một đặc điểm “không cắt mà phải lẩy”. Sau khi lột sạch vỏ, dùng dao lẩy từng miếng khoai một, như thế khi nấu chè sẽ không dính cục lại với nhau do độ dẻo của khoai rất cao. Cách lẩy này khiến cho khoai cánh tiên khi nấu sẽ bùi hơn cách cắt gọt thông thường.

Nấu chè khoai cánh tiên khá đơn giản: dừa nạo mịn cho khoảng nửa chén nước ấm vào để vắt lấy nước cốt để riêng; sau đó đổ thêm chừng hai chén đầy vắt lấy nước dão đổ vào trong xoong, lá dứa cắt ngắn xay vắt lấy nước cốt. Cho chút đường vào nồi nước dão, cho khoai cánh tiên đã được lẩy vào, rồi nước cốt lá dứa, thêm một chút muối (chừng 1 muỗng café). Nấu chừng 15 phút thì cho nước cốt dừa vào. Đợi thêm chừng 10 phút nữa khoai sẽ nhừ đều, cho thêm đường (phải là đường cát Mỹ Tho màu hơi ngà mới ngon) nêm vừa ngọt là được.

Nhưng cũng có cách nấu chè kết hợp khoai cánh tiên với đậu xanh đãi vỏ, khi bỏ khoai vào nồi thì đậu xanh cũng đồng thời được bỏ vào. Chỉ thêm đậu xanh còn cách nấu thì vẫn giữ nguyên.

Chỉ là bát chè nhỏ thôi mà chan chứa tình quê trong đó

Chỉ là bát chè nhỏ thôi mà chan chứa tình quê trong đó

Chè chín, bạn sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn trong nồi chè, mùi thơm của khoai cánh tiên, quyện lấy mùi thơm ngạt ngào của lá dứa. Từng miếng khoai dẻo thơm tan trong miệng, bạn sẽ nhìn thấy màu vàng của khoai, của đậu như màu của những đồi cát Mũi Né triền miên và màu xanh mênh mông của biển Bình Thuận. Chỉ là bát chè nhỏ thôi mà chan chứa tình quê trong đó.

Khoai được trồng rất nhiều ở Phan Rí, Phú Long… Món chè khoai cánh tiên khá phổ biến trong các gia đình ở Bình Thuận và được nấu vào dịp lễ hội vía lớn gồm các ngày Tết Nguyên đán, Thanh Minh, Mồng 5 tháng 5, lễ Vu Lan, rằm tháng 10. Nhưng bất kì ngày nào bạn muốn ăn món chè đặc biệt này, bạn hãy ghé lại chợ Phan Thiết hoặc nhà hàng Tánh Linh Việt.

Chừng 7 năm tôi mới có dịp trở lại Bình Thuận thăm dì trong một dịp công tác. Dì đón cháu gái phương xa vẫn bằng chén chè khoai cánh tiên giản dị mà nghe rưng rưng thương nhớ.

Điều khiến tôi bất ngờ là khi đến Possanus Resort, khi chị Trương Thị Thu Liễu bảo rằng sẽ đãi tôi món chè chỉ có ở Bình Thuận mới có, tôi đã nghĩ đến món chè khoai cánh tiên.

Chỉ là bát chè nhỏ thôi mà chan chứa tình quê trong đó


Chỉ là bát chè nhỏ thôi mà chan chứa tình quê trong đó

Quả thực tôi đã gặp lại món chè dân dã, thơm ngon của những người dân quen với thử thách của nắng nóng từ cát hất lên, của cơn gió mạnh từ biển thốc vào, của những giọt mồ hôi dưới mặt trời thiêu đốt đã được trân trọng đưa vào nhà hàng, khách sạn sang trọng.

Tự dưng nghe vui. Mỗi món ăn dân dã, dù là ở đâu, khi đã ngấm vào lòng, thì đó còn là quê hương, là văn hóa, là bản chất cội nguồn nữa…

V.H

* Trích từ loạt bài “Hành trình tìm kiếm món ăn dân dã truyền thống ẩm thực ba miền” dành riêng cho chương trình Chiếc Thìa Vàng 2014.