Cà đắng lá mì Pleiku

Chỉ là lá mì giã nát, cà đắng, ớt xanh và một ít thịt nai cùng gia vị để nấu canh nhưng cái vị đăng đắng, ngon ngọt, bùi bùi cùng vị cay xé lưỡi của ớt xanh thôi mà khiến tôi mãi thương hương nhớ vị…

“Em đẹp thế Pleiku ơi. Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi. Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy…”
 
Không phải vì nhạc sĩ Nguyễn Cường đã chút nữa “vỡ tan trái tim” thì tôi mới nhận ra vẻ đẹp của “đôi mắt Pleiku” mà đã nhiều lần tôi tự hỏi mình sao người Tây Nguyên đôi mắt họ giống nhau đến thế. Đôi mắt thật sâu, long lanh, sáng ngời. Những đôi mắt ấy thật dịu dàng, trìu mến, trong trẻo như ban mai một ngày đẹp trời và yên bình như mặt sóng Biển Hồ.
 
Tây Nguyên đẹp lắm, nhất là những nơi chưa có trên bản đồ… du lịch. Nghĩa là cái chân chất, thật tình của con người Tây Nguyên chưa bị phai nhạt đi bởi sự khai thác của rất nhiều dự án du lịch. Bạn sẽ say đắm với bạt ngàn rừng xanh thẳm, những con dốc nối tiếp nhau, những khoảng trời rộng lớn và những cơn lốc đỏ của con đường mới mở. Nếu trong cuộc hành trình khám phá ấy, bạn chưa được ăn những món ăn của người đồng bào thì chuyến đi ấy chưa hẳn đã trọn vẹn. Cà đắng lá mì 2

Trong ẩm thực Tây Nguyên, cà đắng, lá mì là những món ăn khá phổ biến và độc đáo. Ví dụ món cà đắng giã. Đây là món ăn tươi trộn gia vị. Người Jrai nào cũng thích dùng món này. Cà đắng giã rất thơm ngon, có vị cay của ớt, vị chua của chanh và mùi thơm rất đặc biệt.

Cà đắng lá mì
Cà đắng lá mì

Làm món này không khó. Chỉ cần có vài trái cà chín vàng, giòn, rửa sạch, cắt ra từng miếng nhỏ, một trái cà chua rừng, một miếng chanh và rau ngò gai, trái ớt xanh, mỗi thứ một ít bỏ vào cối giã. Người ta bỏ thêm lá “ắc” để tạo nên mùi thơm ngon cho món cà giã. Cà giã có thể ăn với cơm nóng hay cơm nguội đều ngon cả. Chút cay cay, chua chua tạo nên món ăn đặc sắc này. Món ăn Tây Nguyên không thể nào thiếu những trái cà thơm giòn, những trái ớt chuột bé xíu cay cay.

Trái cà đắng

Trái cà đắng

Cà đắng chỉ mọc ở trong rẫy, ven hàng rào hoặc hoang dại trong các bìa rừng mới đắng. Quả tròn và lớn hơn cà pháo một chút, ruột đặc hạt, cuống có nhiều gai nhọn. Cà đắng ra trái quanh năm, vì thế món cà đắng cũng được dùng quanh năm. Theo kinh nghiệm của người dân tộc Jrai, ăn cà đắng sẽ giúp cơ thểcon người không bị thống phong, thấp khớp hay đau nhức xương. Một điều rất lạ kì là, vẫn là cây cà đắng ấy nhưng được đem về vườn nhà trồng, trái trở nên to hơn, nõn nà nhưng không… đắng nữa.

Cà đắng ăn sống hay nấu chín đều có những hương vị rất ngon và rất đặc trưng. Người đồng bào còn xem nó như một loại rau ăn sống. Cà đắng được nấu chung với nhiều thực phẩm khác như xào với ếch, nấu canh cá trích, cá cơm khô, kho với tôm, tép bắt được dưới sông … sẽ tạo nên những món ăn quyến rũ. Đặc biệt, hai loại gia vị không thể thiếu khi chế biến món cà đắng chín là ớt và lá lốt xắt nhỏ.

Một trong những món được chế biến từ cà đắng không thể không nhắc tới là món cà đắng lá mì. Trong vườn nhà người dân tộc Jrai luôn trồng cây mì ăn lá. Cây khoai mì ăn lá là loại mì ta, thân nhỏ. Khi cây vừa ra lá non, người ta sẽ hái giữ phần lá để chế biến. Và cây mì cứ thế mà thay lá mới. Cà đắng nấu với lá mì được chế biến khá đơn giản: lá mì non rửa sạch, để ráo, giã (hoặc vò bằng tay) thật nhuyễn, cà đắng rửa sạch cắt làm đôi, ớt xanh để nguyên quả hoặc cắt nhỏ. Tất cả các thực phẩm trên được xào chín kĩ với dầu ăn, gia vị vừa miệng. Món này có thể cho thêm thịt. Thịt sau khi ướp gia vị sẽ được xào trước để chín. Sau đó, trộn cà đắng, ớt xanh và lá khoai mì chung với thịt. Món này ăn với cơm trắng có vị bùi bùi và có chút đăng đắng. Món cà đắng lá mì được chuộng đến mức nó không chỉ xuất hiện ở trong bữa cơm hàng ngày mà còn được dùng trong các lễ hội bên ché rượu cần. Ngoài nấu với cà đắng, lá mì còn được nấu với ít khô nai, khô cheo gác bếp từ những chuyến đi rừng hay ít cá cơm khô đổi từ chợ huyện.

Ở thành phố Pleiku, bạn muốn dùng món cà đắng lá mì thì vào làng Choét tìm đến nhà hàng Bazan của đôi vợ chồng Ksor H’Oanh ở 478 Lê Duẩn, Thắng Lợi hoặc đến làng Plei Ốp vào nhà hàng Pleiku Xanh. Nhưng cà đắng lá mì chỉ thực sự ngon khi bạn được ăn món do chính tay người đồng bào nấu.

Lá mì

Lá mì

Ở Krôngpa, đất đai khô cằn không thể khiến cà phê, cao su hay hồ tiêu tốt tươi như những vùng đất Tây Nguyên trù phú khác, chỉ có cây mì là xanh ngăn ngắt cùng nắng gió. Ở chính nơi ấy, món cà đắng lá mì trở nên ngon lạ lùng.

Đầu mùa mưa Tây Nguyên năm 2014, tôi lên Krongpa, anh bạn Trịnh Việt Hà (làm ở Tòa án nhân dân huyện Krongpa) nấu cho tôi ăn món canh lá mì cà đắng. Chỉ là lá mì giã nát, cà đắng, ớt xanh và một ít thịt nai cùng gia vị để nấu canh nhưng cái vị đăng đắng, ngon ngọt, bùi bùi cùng vị cay xé lưỡi của ớt xanh thôi mà khiến tôi mãi thương hương nhớ vị…

Đôi lần trở lại Pleiku, cũng ăn cà đắng, lá mì nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy như thiêu thiếu vị… Tây Nguyên. Lại xuôi xe hơn một trăm cây số để đến được Krongpa mà nói với anh bạn tôi rằng: “Nấu cà đắng lá mì đi…”. Anh bạn cười, chỉ tay ra những rặng núi xa mờ: Bạn thấy không, nếu không có núi non và những cánh rừng kia thì chẳng phải Tây Nguyên.

Cũng như người đồng bào, hãy cứ để họ sống trong những cánh rừng của họ, buôn làng của họ thì họ mới giữ được cái chất người đồng bào. Như cây cà đắng vậy, hãy cứ để mọc hoang dại ngoài rẫy, ven rào; đừng mang nó về trồng, chăm sóc thì cà đắng sẽ giống như các loại cà khác, không còn đắng nữa.

Bạn sẽ không phải phân vân với câu hỏi “Ăn gì để nhớ Tây Nguyên”, bởi chỉ cần rời Tây Nguyên thôi bạn đã thấy nhớ nhung rồi. Nhớ vẻ hoang sơ huyền bí của núi rừng, sự mạnh mẽ hùng vĩ của những dòng thác trắng xóa rầm rì tuôn chảy, và vẻ đẹp bất tận hoang dại của miền sơn cước. Nỗi nhớ ấy tròn đầy hơn khi men rượu cần, hương núi rừng trong từng món ăn cứ lưu luyến mãi…

V.H

* * Trích từ loạt bài “Hành trình tìm kiếm món ăn dân dã truyền thống ẩm thực ba miền” dành riêng cho chương trình ChiếcThìaVàng 2014

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm