Tự nguyện giao nộp một cá thể gấu chó cho cơ quan chức năng

(Dân trí) - Với sự hỗ trợ của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), sáng nay (18/8), một cá thể gấu chó sẽ được cơ quan chức năng tỉnh Nam Định chuyển giao cho trung tâm cứu hộ.

Vẫn còn gần 1000 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong cả nước (Ảnh mình họa: ENV)
Vẫn còn gần 1000 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong cả nước (Ảnh mình họa: ENV)

Trước đó, vào ngày 8/8, ENV đã nhận được tin báo từ một tổ chức bảo vệ động vật về trường hợp một người dân ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định muốn tự nguyện chuyển giao cá thể gấu chó nặng khoảng 50kg, chưa được gắn chip quản lý và đang được người này nuôi giữ.

Liên hệ trực tiếp với người báo tin, ENV được biết cá thể gấu này được mua từ 6 năm trước tại Lâm Đồng và không rõ nguồn gốc, sau đó đem về nuôi làm cảnh. Vào thời điểm đó, gia đình họ không nắm được việc làm này là bất hợp pháp. Khi nhận rõ sai lầm từ việc nuôi nhốt gấu, gia đình người này đã tự nguyện chuyển giao lại gấu cho nhà nước.

Những thông tin trên ngay lập tức đã được ENV chuyển giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định, đồng thời liên hệ trực tiếp với Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đề nghị tiếp nhận cá thể gấu chó. Sáng nay (18/8), đại diện các cơ quan này sẽ có mặt tại huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) để đưa cá thể gấu về “nhà mới”.

Đây là cá thể gấu thứ 2 được ENV hỗ trợ chuyển giao từ đầu năm đến nay. Vào tháng 3/2016, một cá thể gấu ngựa cũng đã được Trung tâm cứu hộ động vật Hà Nội tiếp nhận từ một hộ gia đình tại Sơn La, dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng và ENV. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự biến chuyển tích cực trong nhận thức của người dân đối với việc nuôi nhốt động vật hoang dã.

Tuy nhiên, 2 vẫn là con số quá nhỏ so với gần 1000 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt trên cả nước. ENV hi vọng sẽ có ngày càng nhiều hơn nữa những chú gấu được tự nguyện chuyển giao cho cơ quan chức năng như 2 cá thể tại Nam Định và Sơn La. “Gấu thuộc về tự nhiên, không phải trong chuồng cũi” – đó cũng là thông điệp mà ENV muốn gửi tới những người đã và đang ủng hộ việc nuôi nhốt gấu.

Gia đình tại Kon Tum được cán bộ Kiểm lâm vận động tự nguyện chuyển giao cá thể vượn (Ảnh: ENV).
Gia đình tại Kon Tum được cán bộ Kiểm lâm vận động tự nguyện chuyển giao cá thể vượn (Ảnh: ENV).

Một trường hợp tự nguyện chuyển giao động vật hoang dã khác là từ một gia đình tại huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum. Vào chiều ngày 10/8, ENV đã nhận được thông tin từ Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Tu Mơ Rông báo đã vận động thành công gia đình này chuyển giao một cá thể vượn quý hiếm. Cá thể này được xác định là loài vượn đen má vàng, thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160 /2013/NĐ-CP, đã được nuôi từ vài năm nay.

Theo đề nghị của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, ENV đã liên hệ với Trung Tâm Cứu Hộ Linh Trưởng Nguy Cấp tại Vườn Quốc gia Cúc Phương đề nghị tiếp nhận cá thể vượn. Vào đêm 15/8 vừa qua, đại diện của trung tâm này đã khởi hành vào Kon Tum để đón cá thể vượn này về Cúc Phương.

Điều đáng nói là do hiểu biết còn hạn chế, gia đình trên thường cho vượn ăn thịt, cá – những loại vốn không phải thức ăn tự nhiên phù hợp với loài này. Điều này có thể gây khó khăn cho cá thể vượn khi tái hòa nhập với đồng loại trong tự nhiên. Không phải cứ nuôi giữ, chăm sóc như với con người là tốt cho động vật. Thiết nghĩ, cách đúng đắn nhất để thể hiện tình yêu thương những loài vật này là để chúng tự do phát triển trong môi trường sống vốn có của mình và không tiếp tay cho việc buôn bán động vật hoang dã.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm