Nghệ An:
Ra quân chương trình “Tiết kiệm sinh thái” đầu tiên ở Việt Nam
(Dân trí) - Chương trình “Tiết kiệm sinh thái” nhằm giáo dục kỹ năng sống, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường từ lứa tuổi học sinh đến cộng đồng; xây dựng ý thức mới về quản lý chất thải cũng như bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên.
Hơn 1.500 học sinh tham gia chương trình "Tiết kiệm sinh thái" tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam
Sáng ngày 18/9, hơn 1.500 học sinh thuộc các Trường tiểu học Hưng Dũng 1, Hưng Dũng 2, Trường THCS Hưng Dũng (Tp Vinh, Nghệ An) đã tham gia lễ ra quân chương trình "Tiết kiệm sinh thái". Đây là chương trình “Tiết kiệm sinh thái” đầu tiên trong cả nước.
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn học sinh của 3 trường đã tới lớp không phải với chiếc cặp sách thường ngày mà với những chiếc túi bóng chất đầy rác thải. Đó là những tập sách báo cũ, bìa cat-tong, lon bia, vỏ chai nước ngọt - những rác thải có thể tái chế được.
Đến trường cùng với túi rác thải tái chế...
Em Trần Anh Tuấn - học sinh lớp 3B, Trường tiểu học Hưng Dũng 1 cho biết: “Cháu mang giấy loại đến tham gia chương trình "Tiết kiệm sinh thái". Đây là những cuốn vở cũ của cháu, một số thì cháu xin của bố, bà nội. Cô giáo cháu bảo giấy vụn, giấy loại nếu biết cách sử dụng thì rất có ích. Cô cũng dạy cháu bảo vệ môi trường nữa, như không vứt rác bừa bãi, phân loại rác trước khi vứt đi”.
Còn cô bạn Nguyễn Thị Quỳnh Trang lại cho biết những chiếc chai nhựa, vỏ lon bia là Trang đi nhặt ở trong khối: “Cháu nhặt về rửa sạch rồi mang tới đây. Cô giáo bảo làm như thế này cháu sẽ được điểm tốt và có tiền mua dụng cụ học tập nữa”.
...và những vỏ chai nhựa bỏ đi
Hai bố con cùng tham gia bảo vệ môi trường
Đi cùng với các em học sinh còn có các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh xách hộ con những túi rác lớn vào khu vực tập kết. Chị Uông Thị Ngọc Hoa, mẹ của em Nguyễn Hà My (Tiểu học Hưng Dũng 1) kể: “Hôm trước cháu nó về nhà dặn mẹ là những lon bia, vỏ chai nước ngọt, chai dầu mẹ đừng vứt đi, để con mang đi nộp. Tôi bảo là để mua két bia về cả nhà liên hoan rồi con lấy vỏ mà nộp, cháu nó “phản đối” ngay. Bảo như thế là lãng phí, con chỉ dùng những cái mẹ vứt đi thôi”.
Chị Phan Thị Mai Lan, phụ huynh em Đặng Phan Đức Anh lại có câu chuyện vui về cậu con trai của mình. Chị kể: “Đức Anh dặn mẹ là phải để riêng từng loại rác ra, không được để lẫn vào nhau nhưng nhiều công việc, có khi cũng vội quá nên tôi cứ bỏ vào một cái túi to để vứt đi cho tiện.
Tham gia bảo vệ môi trường từ những hành động thiết thực
Thấy vậy là Đức Anh “chỉnh” luôn: Mẹ phải phân loại rác ra chứ. Để những vỏ lon này cho con còn tham gia chương trình "Tiết kiệm sinh thái". Mẹ không biết đâu, con “đổi” rác lấy đồ dùng học tập đấy. Tôi thấy chương trình này rất hay, giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường từ nhỏ. Tôi cũng học được ở con nhiều điều từ chương trình này”.
Rác thải được tập trung một chỗ để tiếp tục phân loại
Anh Lê Minh Tuấn - Phòng TN&MT thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết: “Thành phố Vinh là thành phố đầu tiên ở Việt Nam được chuyển giao mô hình thực tiễn “Tiết kiệm sinh thái” của thành phố Marikina - Philippin. Phường Hưng Dũng được chọn để triển khai thực hiện. Đây là chương trình hết sức có ý nghĩa trong việc xây dựng ý thức tiết kiệm sinh thái, giúp các em học sinh hiểu được lợi ích của việc tái chế rác thải và bảo vệ môi trường, giảm thiểu chi phí xử lý rác thải, giảm thiểu khối lượng rác thải phải chôn lấp góp phần giảm ô nhiễm môi trường đồng thời mang lại lợi ích kinh tế từ việc thu gom, tái chế, sử dụng rác thải.
Chúng tôi không đề ra mức mỗi em học sinh phải thu gom được bao nhiêu rác thải và việc này hoàn toàn phụ thuộc và ý thức của các em. Từ mô hình này chúng tôi sẽ nhân rộng ra toàn thành phố”.
Hàng trăm tấn rác thải tái chế sẽ được thu gom thông qua chương trình "Tiết kiệm sinh thái"
Với số rác các em mang đến tham gia với chương trình sẽ được phân loại và bán. Số tiền đó sẽ được trả lại cho các em hoặc dùng để mua các thiết bị, đồ dùng học tập ở các “Xe buýt tiết kiệm sinh thái” hay “Cửa hàng di động” tổ chức tại các trường trong hai dịp: trước Tết âm lịch vào tháng 1 và trước khi kết thúc năm học vào tháng 5. Theo Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 thì ngoài số tiền thu được từ thu gom rác thải, các giáo viên chủ nhiệm sẽ ghi điểm của từng em vào “Sổ tiết kiệm sinh thái”, các điểm số này sẽ được cộng vào điểm rèn luyện và xếp loại hạnh kiểm hàng tuần, hàng tháng và cả năm cho học sinh.
Số rác thải này sẽ được bán và dành tiền mua đồ dùng học tập cho học sinh
Từ việc thực hiện trong các trường học, các em học sinh sẽ là những “tuyên truyền viên” về chương trình “Tiết kiệm sinh thái” về cộng đồng dân cư.
Hoàng Lam