Quảng Trị: Giám sát rừng bằng... máy tính bảng

(Dân trí) - Trong công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ rừng, các ngành chức năng tại Quảng Trị sẽ được trang bị máy tính bảng để có thể đo đạc, tính toán, chụp ảnh, có kết nối với hệ thống máy chủ để quản lý rừng, thay vì sử dụng các phương pháp đo thủ công.

Đây là nội dung quan trọng được truyền đạt tại lớp tập huấn sử dụng máy tính bảng trong theo dõi, báo cáo diễn biến tài nguyên rừng cho lực lượng kiểm lâm và các đơn vị liên quan, do dự án REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2 (FCPF-2) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị tổ chức ngày 15/11.

Ứng dụng thiết bị thông minh vào quản lý rừng là giải pháp tốt, được đánh giá là bước cải tiến mới
Ứng dụng thiết bị thông minh vào quản lý rừng là giải pháp tốt, được đánh giá là bước cải tiến mới

Ông Khổng Trung – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, đây là công cụ mới, giúp cho hoạt động giám sát, quản lý rừng tốt hơn.

“Thông qua sử dụng máy tính bảng, các cán bộ kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng có thể thực hiện các thao tác chụp ảnh, đo đạc, tính toán. Những số liệu thu thập được kết nối với hệ thống máy chủ. Toàn bộ máy tính bảng sẽ được dự án REDD+ hỗ trợ miễn phí”, ông Trung nói.

Phương pháp theo dõi diễn biến tài nguyên rừng sử dụng máy tính bảng và ứng dụng phần mềm được đánh giá là phương pháp cải tiến, hiện đại, hiệu quả về chi phí, tiết kiệm thời gian và dễ sử dụng hơn nhiều so với việc sử dụng biểu mẫu trên giấy in như cách truyền thống.

Các nhân viên kiểm lâm được sử dụng máy tính bảng có tích hợp các ứng dụng
Các nhân viên kiểm lâm được sử dụng máy tính bảng có tích hợp các ứng dụng

Thông qua các thiết bị hỗ trợ máy tính bảng, hệ thống máy chủ, khi có bất kỳ tác động nào vào rừng (phá rừng, cháy rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp…) thì chủ rừng và cơ quan chức năng không phải sử dụng phương pháp đo thủ công như trước mà xác định tọa độ để kiểm đếm thiệt hại.

Sử dụng máy tính bảng, các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng có thể chụp ảnh, đo đạc, xác định tọa độ có kết nối với hệ thống máy chủ
Sử dụng máy tính bảng, các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng có thể chụp ảnh, đo đạc, xác định tọa độ có kết nối với hệ thống máy chủ

Bên cạnh đó, phương pháp này còn giảm thiểu thất thoát và lỗi dữ liệu với phiếu thực địa dạng số có cấu trúc; không cần nhập lại số liệu vào máy tính để bàn do số liệu được chuyển thẳng lên máy chủ; Phương pháp này vừa đảm bảo tính kịp thời, chính xác, vừa an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí do không cần dùng bản đồ giấy, máy GPS, phiếu khảo sát dạng giấy.

Đ. Đức