TPHCM:
Phát triển thành công công nghệ tự phân loại rác thải
(Dân trí) - Lâu nay TPHCM vẫn luôn mong muốn phát triển công nghệ tái chế rác thải nhưng chưa thành công vì để được tái chế, rác phải được phân loại, nhưng người dân Việt Nam lại chưa có thói quen đó. Nay điều này đã có cách giải quyết.
Xử lý rác thải đang là một vấn đề đau đầu đối với thành phố lớn như TPHCM
Theo kỹ sư Trần Hùng Dũng, thành viên nhóm nghiên cứu, thì một trong những ưu điểm lớn nhất của dây chuyền xử lý này là có khả năng phân loại rác thải rắn trước khi xử lý, tái chế thành các sản phẩm có ích.
Đế phân loại rác, nhóm nghiên cứu sử dụng phương án thủy lực + khí động + chọn bằng tay. Ban đầu, rác độc hại sẽ được lựa chọn bằng tay để đưa đến lò đốt. Phần còn lại sẽ sử dụng phương pháp thủy lực + khí động để phân loại thành các loại tách bạch như rau củ quả, nylon, cao su, giấy, vải vụn, thủy tinh, kim loại, xà bần, nước thải…
Các loại thành phần trên đều có thể tái chế được (trừ vải vụn sẽ đưa vào lò đốt). Chẳng hạn như rác rau củ quả có thể sử dụng để làm phân vi sinh; nylon, cao su dùng để sản xuất xăng dầu; giấy tái chế thành bột giấy; xà bần thì dùng để làm gạch blog…
Hiện nay, rác thải sinh hoạt của TPHCM chủ yếu vẫn được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Công nghệ này vừa tạo nên nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường đất và nước, vừa chiếm dụng quỹ đất lớn, lại không tận dụng được nguồn tài nguyên rác thải…
Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, hiện mỗi ngày TP phải xử lý khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Dự báo trong giai đoạn 2011 – 2020 sẽ lên đến 16.000 tấn/ngày.
Như thế, nếu TP vẫn phát triển công nghệ xử lý rác theo hướng chôn lấp thì trong tương lai, diện tích đất cần dùng để chôn rác sẽ rất lớn, nguy cơ ô nhiễm tăng cao, tài nguyên rác bị lãng phí cũng rất lớn. Tuy nhiên, nếu công nghệ xử lý có khả năng tự phân loại rác được đưa vào cuộc sống, hẳn là những nhược điểm trên sẽ được xử lý thỏa đáng.
Tùng Nguyên