Quảng Ngãi:

Ô nhiễm môi trường từ lò gạch thủ công

(Dân trí) - Hàng loạt lò gạch thủ công ở giữa các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ô nhiễm môi trường từ lò gạch thủ công
Một lò gạch thủ công ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành vẫn liên tục hoạt động mấy chục năm nay gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường

Đi dọc ven sông Vệ thuộc thị trấn Sông Vệ, xã Nghĩa Mỹ, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa); xã Hành Phước (Nghĩa Hành); xã Nghĩa Dõng (tp. Quảng Ngãi), xã Đức Nhuận (Mộ Đức),… từ xa đã thấy khói bay lên từ hàng chục lò gạch thủ công. Mỗi lò gạch có đến hơn hai mươi nhân công làm các công việc như làm đất, ra lò, vô lò, phơi gạch, cộ gạch, đổ than,… Đến giai đoạn nung gạch, khói bay mù mịt, ô nhiễm môi trường người dân ở xung quanh ai nấy đều không chịu nỗi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, người dân ở xã Hành Phước cho biết: “Suốt 20 năm qua, tôi phải sống chung với khói bụi từ các lò gạch xung quanh. Tôi thấy hầu hết cây cối, hoa màu của người dân trong vùng đều bị táp đầu và cháy lá do khói lò gạch. Cho nên việc ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe là không tránh khỏi, gần đây tôi hay bị đau đầu, chóng mặt khi hít phải khói lò này. Cứ mỗi khi đốt lò, khói nhả ra thì người lớn đến trẻ nhỏ đều ho sặc sụa. Điều đáng nói là các lò gạch này đều nằm gần khu dân cư, trường học rất ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của mọi người xung quanh nên cần phải có biện pháp triệt để giải quyết lò gạch để bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân”.

Khói lò gạch đã và đang “đốt cháy” làng quê
Khói lò gạch đã và đang “đốt cháy” làng quê

Hàng ngàn người dân và học sinh ở xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa đang sống chung với khói bụi ô nhiễm của gần 70 lò sản xuất gạch thải ra suốt ngày đêm. Chị Lê Thị Bích Phương chia sẻ: “Xung quanh nhà tôi có tới bốn lò gạch nên ngày nào cũng phải đóng cửa nhà và xối rửa vì khói bụi lò gạch đóng một lớp dày xung quanh nhà, thậm chí nhiều bữa ăn cũng phải đóng cửa, bởi vì chỉ cần vài phút là bụi bám đầy vào thức ăn. Không khí thì ngột ngạt, khó thở bởi khói than, bụi bặm bốc lên của những chiếc xe tải mỗi khi chạy qua. Còn trồng cây nào thì khô héo cây nấy không làm vườn, trồng trọt chi được cả nhưng sợ nhất là bệnh tật như viêm phổi, ung thư,… hễ đau xuống tiền đau chữa trị.”

Các lò gạch ở xã Nghĩa Mỹ, thị trấn Sông Vệ, xã Hành Phước hầu hết đều xây dựng gần đường lớn, khu vực đông dân cư, trường học. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hoạt động sinh hoạt, làm ăn của người dân. Thầy Lê Tấn Thành, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Mỹ cho biết: “Toàn Trường tiểu học này bị bao vây bởi hơn 10 lò gạch, khói bay mù trời, các lò gạch thay nhau nung gạch nên không ngày nào thoát hít phải khí độc này. Những lúc có gió, các lớp học phải đóng cửa để ngăn khói, nhiều lúc phải cho nghỉ học, sơ tán đi phòng khác. Thầy cô, học sinh thường có các triệu chứng như sổ mũi, tức ngược, khó thở, nhức đầu, chóng mặt tiếp xúc thường xuyên với khói lò”.

Nguyên liệu đốt lò là than đá - ảnh hưởng ngiêm trọng đến sức khỏe người dân và môi trường
Nguyên liệu đốt lò là than đá - ảnh hưởng ngiêm trọng đến sức khỏe người dân và môi trường

Mặc dù các lò gạch thủ công là nguồn cung cấp vật liệu cho các công trình xây dựng trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh, thành lân cận, góp phần bình ổn giá gạch xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, giải quyết được công việc làm cho người lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 1 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng hệ lụy của nó đến môi trường rất trầm trọng. Việc sử dụng than, củi để đốt lò sẽ thải ra môi trường hàng loạt khí độc hại, rất nguy hiểm cho sức khỏe, môi trường sống như: lưu huỳnh đioxit (SO2), lưu huỳnh trioxit (SO3), cacbon đioxit (CO2), cacbon monoxit (CO), nitơ oxit (NOx). Ngoài ra, cũng tạo ra những hợp chất hữu cơ độc hại khác, có khả năng gây tử vong như metan (CH4), benzen và các hợp chất hữu cơ nhân thơm rất độc hại và có khả năng gây ung thư... Cùng với đó, hàng chục ha đất nông nghiệp bị biến thành ao hồ do lấy đất để làm gạch.

Thiết nghĩ, xóa bỏ lò gạch thủ công ở những khu dân cư, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất gạch không nung là việc cần nhanh chóng thực hiện. Bên cạnh đó, để an sinh xã hội cho bà con lâu nay mưu sinh dựa vào những lò gạch này, cần có kế hoạch quy hoạch lại làng nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất lò gạch thủ công và lao động trong các cơ sở này chuyển đổi ngành nghề phù hợp, gắn sự phát triển kinh tế của địa phương đi đôi với việc bảo vệ môi trường.

Bích Ngân