TPHCM:
Người dân "chê" nước sạch
(Dân trí) - Mục tiêu của TPHCM là trong năm nay phải phủ kín mạng lưới cấp nước sạch đến vùng nông thôn. Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn là dù đồng hồ nước gắn đến tận nhà nhưng nhiều hộ vẫn không dùng nước sạch mà dùng nước giếng khoan.
Chiều 25/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã chủ trì cuộc họp về tình hình cung cấp nước sạch năm 2016 cho người dân TP.
Tại cuộc họp, ông Lê Văn Tám – Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết trong năm 2016, cần cung cấp nước sạch đến 228.665 hộ dân mới đạt mục tiêu 100% người dân TP được sử dụng nước sạch. Tính đến 15/8, tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch là gần 92%. Trong đó, huyện Bình Chánh còn hơn 71.500 hộ, huyện Củ Chi còn hơn 47.600 hộ…
Ông Tám cho biết thêm, sau khi rà soát thì xác định số hộ có nhu cầu lắp đặt thiết bị lọc nước là 496 thiết bị (giá mỗi bộ thiết bị là 69 triệu đồng). Trong đó, huyện Bình Chánh 352 thiết bị và Củ Chi là 144.
Trong khi đó, cho rằng còn một số khó khăn, vướng mắc nhưng 2 đơn vị phụ trách việc cấp nước sạch là Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và Công ty Cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn cam kết triển khai đúng kế hoạch nếu các địa phương phối hợp nhịp nhàng và tạo điều kiện thuận lợi.
Tuy nhiên, báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư TP cho rằng hơi bất an về việc hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch vì hiện nay nhiều địa phương có tỷ lệ cấp nước còn quá thấp như Củ Chi mới hơn 50% và Hóc Môn hơn 60%.
Đối với việc triển khai lắp đặt thiết bị lọc nước, Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết huyện Bình Chánh đã kiến nghị điều chỉnh bộ tiêu chí đấu thầu vì tiêu chí hiện nay không còn phù hợp nữa. Hai đơn vị tham gia thí điểm từ đầu đã “báo miệng” là không tham gia đấu thầu. Do đó, nếu đưa ra đấu thầu thì tính khả thi không cao lại mất thời gian làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung của TP.
Trong khi đó, đại diện Sở Tài chính cho rằng huyện Bình Chánh chưa phát hành đấu thầu bài bản nên đề nghị triển khai theo quy định nếu không được thì Sở Tài chính sẽ chủ trì phối hợp giải quyết.
Dự liệu việc đấu thầu sẽ không khả thi, Sở Kế hoạch – Đầu tư kiến nghị UBND TP giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để đưa ra giải pháp kịp thời.
Cũng tại buổi làm việc, các địa phương băn khoăn về việc người dân không mặn mà với việc sử dụng nước sạch dù đồng hồ nước đã gắn tới tận nhà. Điển hình là huyện Củ Chi, nhiều hộ dân chỉ sử dụng nước trong mức khuyến mãi (dưới 5 m3) rồi ngưng và chuyển sang dùng giếng khoan.
Ông Vũ Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn kiến nghị lãnh đạo TP chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền và thuyết phục người dân sử dụng nước sạch. Ông Hoàng cho rằng trong khi đơn vị đầu tư rất lớn để triển khai hệ thống cấp nước tại huyện Củ Chi thì người dân lại không mặn mà.
“Huyện Củ Chi có 3.339 đồng hồ nước nhưng lượng nước tiêu thụ chưa được 70%. Nếu tình hình này tiếp tục thì công ty chỉ có lỗ trắng. Nếu tính mỗi hộ sử dụng 3 m3/tháng thì mất 15 năm mới thu hồi vốn. Tôi tính nếu người dân tăng cường sử dụng nước sạch thì công ty sẽ điều chỉnh mức giá ưu đãi hơn”, ông Hoàng chia sẻ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan nâng cao tinh thần trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ để triển khai kế hoạch cấp nước đúng tiến độ. Đồng thời, 2 đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch phải cam kết đảm bảo chất lượng cho người dân.
Về việc lắp đặt thiết bị lọc nước, ông Khoa yêu cầu Sở Tài chính phối hợp cùng Sở Kế hoạch – Đầu tư và huyện Bình Chánh, Củ Chi đề xuất phương án vừa đảm bảo tính pháp lý và không để bị trễ thời hạn cuối năm nay hoàn thành cấp nước sạch cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng thừa nhận thực tế rằng người dân còn thói quen sử dụng nước giếng khoan không tốn tiền. Còn nay sử dụng nước sạch phải trả tiền nên người dân cũng “ngại”. “Nếu có cơ chế giá tốt thì chắc chắn người dân sẽ sử dụng nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền lợi ích việc sử dụng nước sạch”, ông Khoa nhấn mạnh.
Quốc Anh