“Ngành lâm nghiệp còn tồn tại nhiều yếu kém”

(Dân trí) - Mặc dù năm 2014 ngành lâm nghiệp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay nhưng vẫn bộc lộ những tồn tại, yếu kém. Kết quả trồng rừng thay thế của các thủy điện chỉ đạt 25%.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn tại Hội nghị thường niên Đối tác Lâm nghiệp (FSSP) 2015, khai mạc sáng 04/02 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn (
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn (bên phải) chủ trì Hội nghị

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Trong năm 2014, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 23.900 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7,09%, kim ngach xuất khẩu lâm sản đạt 6,2 tỷ USD, tăng 12,8% so với năm 2014.

Nhờ hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng và việc đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng, nên độ che phủ của rừng năm 2014 đạt khoảng 41,5%, tăng 0,4% so với năm 2013.

Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành lâm nghiệp đang còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém. Kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, còn rất thấp như: Tây Nguyên chỉ đạt 65% kế hoạch, Tây Bắc đạt 72% kế hoạch.

“Kết quả trồng rừng thay thế của các thủy điện đạt thấp, chỉ đạt 25% kế hoach. Đặc biệt là một số tính có chỉ tiêu kế hoạch lớn nhưng chưa triển khai trồng hoặc triển khai chậm như: Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắ k Nông, Gia Lai, và Cao Bằng,” Thứ trưởng Tuấn nêu rõ.

Kết quả trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ vẫn còn thấp (Ảnh minh họa)
Kết quả trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ vẫn còn thấp (Ảnh minh họa)

Công tác bảo vệ rừng tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn diễn ra phức tạp ở một số điểm nóng. Lực lượng kiểm lâm ở một số nơi có lúc còn chậm phát hiện sự việc, bị động trong xử lý tình huống, chưa nghiêm túc trong thực thi công vụ, hành vi phá rừng trái pháp luật và chống người thi hành công vụ còn diễn ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc dư luận.

Để đạt được mục tiêu tổng quát cho năm 2015, ngành lâm nghiệp cần tiếp tục đổi mới căn bản hệ thống quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; dừng khai thác chính từ rừng tự nhiên, gắn bảo vệ và phát triển rừng với nâng cao chất lượng đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ít người.

FSSP là một đối tác rộng mở cho tất cả các bên liên quan trong ngành lâm nghiệp Việt Nam cùng tham gia và hợp tác. Đối tác nhằm góp phần thực thi Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 thông qua việc thúc đẩy chia sẻ thông tin, tăng cường đối thoại chính sách và hợp tác về lĩnh vực quan trọng của ngành, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả việc sử dụng và huy động các nguồn lực cho ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Kirsten Hegener, Đồng Chủ tịch FSSP, nói: “Điểm lại hoạt động của Đối tác Ngành lâm nghiệp trong vòng 15 năm qua, có thể thấy các đối tác ngành lâm nghiệp đã trở thành một diễn đàn chung hỗ trợ công tác phối hợp, và chia sẻ thông tin giữa các đối tác trong nước và quốc tế.”

“Chúng ta hướng đến một mô hình diễn đàn Đối tác hỗ trợ ngành Lâm nghiệp mới mà sẽ hỗ trowjj củng cố vững chắc công tác bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh tích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện hiệu quả Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam,” bà Hegener nói.

Nguyên An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm