1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vượt qua “cái chết trắng” để làm lại cuộc đời

(Dân trí) - Hơn 10 năm cai nghiện, anh Phạm Văn Dũng (Ứng Hoà, Hà Nội) từng bị nhiều người dân xa lánh. Nhưng vượt qua tất cả, anh đã vươn lên làm kinh tế giỏi và đi đầu trong các phong trào của địa phương.

Vết trượt dài của tuổi trẻ

Anh Phạm Văn Dũng sinh năm 1979 tại xóm Giếng Dợ (nay là thôn Nhân Hoà, Hoà Xá, Ứng Hoà, Hà Nội). Năm 18 tuổi, anh rời quê lên Hà Nội để theo học trường đại học, nuôi ước mơ trở thành kỹ sư điện.

Mới chỉ sau 2 năm học, không những chưa thực hiện được ước mơ của bản thân và gia đình mong muốn, anh đã bị bạn bè xấu lôi kéo vào con đường nghiện hút.

Anh Phạm Văn Dũng kể về cuộc đời sau khi cai nghiện trở về quê hương.

Anh Phạm Văn Dũng hồi tưởng lại: “Năm ấy, nhà trường phát hiện tôi nghiện hút nên báo tin về gia đình. Ông cụ lên tận trường đúng lúc tôi đang cơn say thuốc. Ông đánh cho tôi một trận nhừ tử rồi đưa về quê".

Con đường học hành của anh Phạm Văn Dũng cũng chấm dứt từ đó. Về quê cai nghiện ở nhà chẳng được bấy lâu, khi đó những đối tượng xấu, nghiện ngập cũng xuất hiện ở quê nhà. Một lần nữa, anh lại quay về con đường nghiện hút.

Sau 2 năm trở về quê, trong mắt bà con láng giềng anh Phạm Văn Dũng thật đáng sợ, ai nhìn vào cũng lắc đầu xa lánh.

4ed685b77e4a8114d85b.jpg

Anh  Phạm Văn Dũng kể về quá khứ chìm đắm trong ma tuý

“Lúc cả làng biết chuyện, tôi chẳng còn lấy một ai bên cạnh ngoài gia đình và những người bạn nghiện. Cô đơn, lạc lõng càng khiến tôi trở nên nghiện nặng hơn. Không ít lần, ông cụ xích tôi vào cột nhà nhưng tôi đều tìm cách bỏ trốn”.

Rồi anh Phạm Văn Dũng được bố xin cho đi cai nghiện 1 năm. Trở về từ trại, hết nghiện anh kết duyên cùng với chị Phùng Thị Thắm. Thế rồi cũng chẳng được bao lâu anh tái nghiện.

Chị Phùng Thị Thắm, vợ anh, nhớ lại những ngày phải sống trong hoàn cảnh chồng nghiện hút, dân làng gièm pha.

“Làm nghề vàng mã chẳng kiếm được bao nhiêu. Nhưng anh cứ lấy tiền đi mua thuốc phiện hết rồi lúa gạo cũng đem bán. Mấy lần tôi ôm con về nhà ngoại, nhưng nghĩ thương anh còn mỗi tôi và các con nên đành quay lại” - chị Thắm kể.

Vượt qua “cái chết trắng” để làm lại cuộc đời - 2

Chị Phùng Thị Thắm, người vợ luôn theo sát anh trong hành trình tìm lại bản thân 

Quyết tâm làm lại cuộc đời

Chị Phùng Thị Thắm nhớ lại: “Sau Tết năm 2010, chồng tôi có tên trong danh sách cai nghiện bắt buộc của địa phương. Lúc ấy tôi vừa mừng vừa lo thế rồi cũng động viên anh lên đường đi cai nghiện”.

Sau 11 năm nghiện ma tuý, anh Phạm Văn Dũng được đưa đi trại cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội (Ba Vì, Hà Nội). Từ đây cuộc đời anh bước sang trang mới.

Anh Phạm Văn Dũng tâm sự: “Lần nào cai nghiện tôi cũng quyết tâm lắm nhưng cứ đến giờ vật thuốc là toàn thân thể đau nhừ, nhói buốt tận tủy xương không thể nào chịu nổi".

Bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, anh bắt đầu nghĩ về gia đình.

"Những đứa con tôi sẽ sống thế nào khi bố nó là một thằng nghiện. Rồi lần này tôi quyết tâm cai cho bằng được” - anh Phạm Văn Dũng nhớ lại.

Vượt qua “cái chết trắng” để làm lại cuộc đời - 3

Giờ đây, hàng ngày anh Phạm Văn Dũng chăm chỉ lao động sản xuất để chăm lo cho gia đình 

Mỗi tháng 1 lần chị Phùng Thị Thắm lại vượt hàng chục cây số lên Ba Vì thăm anh Phạm Văn Dũng.

Lần nào lên được gặp vợ, anh cũng khóc. Anh dặn chị không được cho con lên, thấy cảnh bố như thế để sau này. Anh Phạm Văn Dũng nghĩ, trở về sẽ làm một người khác để nuôi dạy các con đàng hoàng.

Sau 24 tháng cai nghiện bắt buộc, anh Phạm Văn Dũng trở về quê hương với đôi bàn tay trắng và sự quyết tâm làm lại cuộc đời bằng nghề vàng mã.

Những ngày đầu anh mặc cảm chẳng dám ra đường. Nhưng với sự chia sẻ của chính quyền và sự động viên của người vợ, anh Phạm Văn Dũng đã vực dậy tinh thần để làm lại cuộc đời.

Theo anh Phạm Văn  Dũng, chính sự quan tâm của gia đình và chính quyền địa phương cùng với sự ân cần chu đáo của cán bộ trong trại đã đánh thức “phần người” trong anh.

“Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của xóm làng. Cắt đứt liên lạc hết những người bạn xấu, hàng ngày tôi ở nhà làm vàng mã với vợ. Ban đầu bố tôi chẳng tin tôi làm được vì ông hết hy vọng lâu rồi. Hàng đêm, ông cụ đứng rình ở cửa xem tôi có ra ngoài đi mua thuốc không” - anh Phạm Văn Dũng chia sẻ.

Vượt qua “cái chết trắng” để làm lại cuộc đời - 4

Anh  Phạm Văn Dũng tạo việc làm cho nhiều người thân trong gia đình với thu nhập ổn định

Trở về sau 13 năm nghiện ngập, không ít lần anh Phạm Văn Dũng bị bạn nghiện đến tận nhà rủ rê sử dụng ma tuý. Thế nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh thẳng thắn đuổi họ về và cắt đứt liên lạc. 

Sự quyết liệt đã giúp anh thành công. Sau nhiều năm phấn đấu, anh đã thoát khỏi nỗi ám ảnh của ma túy và là tấm gương sáng về cai nghiện, làm kinh tế giỏi.

Hiện nay, anh Phạm Văn Dũng có một cơ sở làm vàng mã với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập ổn định anh xây nhà, mua xe, chăm lo cho 3 đứa con ăn học.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Lưu Thị Đàn - Trưởng thôn Nhân Hoà (Hoà Xá, Ứng Hoà, Hà Nội) - chia sẻ: Từ ngày cai nghiện trở về anh Dũng thay đổi nhiều lắm, rất chăm chỉ lao động, biết yêu thương vợ con, sống hòa nhã, cởi mở với mọi người. Đặc biệt từ đó tới nay, chưa một điều tiếng nào nói về anh sử dụng lại ma tuý ”.

Chính quyền địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên chia sẻ với anh cùng gia đình. Giúp đỡ anh hoà nhập cộng đồng sống vui vẻ như những người khác trong thôn.

Theo bà Lưu Thị Đàn, từ khi cai nghiện về, anh Dũng luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương và là tấm gương làm kinh tế giỏi, nuôi dạy 3 đứa con chăm ngoan học giỏi.