Cà Mau:
Vươn lên ổn định đời sống nhờ “bám” nghề trồng tre lấy măng
(Dân trí) - Sau nhiều năm “bám” vào nghề trồng tre lấy măng, có gia đình nông dân miệt U Minh từ khó khăn đã cải thiện kinh tế, vươn lên ổn định đời sống.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt (57 tuổi, ngụ ấp 13, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) thời gian qua đã “sống khỏe” sau những ngày tháng khó khăn nhờ vào trồng tre mạnh tông.
Rất nhiều năm trước đó, vợ chồng bà Nguyệt làm nhiều công việc để mưu sinh nhưng luôn trong cảnh nghèo khó. Khi đến định cư ở ấp 13 khai khẩn đất rừng để phát triển kinh tế, gia đình trồng chuối,mít,… nhưng không nhiều hiệu quả.
Khoảng năm 1997, sau nhiều đêm ngày suy nghĩ, vợ chồng bà Nguyệt quyết định tận dụng khoảng 0,5 ha đất bờ để trồng tre mạnh tông.
Bà Nguyệt chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ trồng một vài mục tre để lấy măng làm thức ăn trong nhà. Sau đó, khi thấy măng tre có năng suất cao nên mang ra chợ bán thì thấy thu nhập được”.
Từ đó, vợ chồng bà Nguyệt quyết định trồng thêm hơn 300 gốc tre để lấy măng bán. Ngoài ra, còn bán cả lá, thân, cây giống,… khi người dân có nhu cầu.
Ông Trần Văn Hận (chồng bà Nguyệt) cho biết, trồng tre không tốn nhiều chi phí và công chăm sóc, chỉ vất vả trong khoảng 3 tháng đầu. Sau khi tre trồng chừng 2 năm thì có thể thu hoạch, với năng suất từ 70 đến 80 măng/một gốc/năm.
Giá măng tre cũng tùy thuộc vào thời gian, nếu từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch thì giá khá thấp, khoảng từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg do nguồn cung nhiều. Còn vào tháng 1 đến tháng 2 âm lịch thì có giá cao hơn, trung bình 25.000 đồng/kg, do nguồn cung ít.
Theo gia đình bà Nguyệt, thời điểm này măng tre đang vào mùa. Khoảng 3 ngày, bà lại thu hoạch măng tre một lần với khoảng 300kg. Măng tre được nhiều người ưa chuộng vì có thể làm được nhiều thức ăn rất ngon.
Sau nhiều năm “bám” vào măng tre, gia đình bà Nguyệt từ khó khăn nay đã ổn định hơn. Bà Nguyệt cho biết, gia đình sẽ tiếp tục gắn bó với nghề.