Vui, buồn thưởng Tết
Sự quan tâm đến tiền thưởng Tết tràn lan trên báo chí, mạng xã hội và các bàn cà phê mỗi sáng. Cũng không biết từ bao giờ xuất hiện hai từ "thưởng Tết" vừa ấm nồng hương vị đón xuân, vừa làm cho bao người thở dài so đo, tính toán.
Mới thử coi lại vụ thưởng Tết này có nằm trong Bộ luật Lao động không, mới hay Luật quy định lương và thưởng là do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động. Nghĩa là bạn có tháng lương thứ mười ba hay không, còn được gọi nôm na là "thưởng Tết", là tùy thuộc cái hợp đồng lao động chính bạn đặt bút ký ngày bước chân vào cơ quan.
Nhưng xã hội thì hơi khác. Mỗi ngày chúng ta đọc báo, tâm trạng sẽ thay đổi theo những cái tít "Ngành bảo hiểm và ngân hàng thưởng Tết cao nhất", hoặc "Giáo viên vùng sâu nhận thưởng Tết ba mươi nghìn đồng". Và chúng ta sẽ cảm thấy bức xúc trước những bất công của xã hội, những thiệt thòi sau thời gian cống hiến.
Biết là cuộc sống của một bộ phận người lao động còn rất khó khăn, phải trông chờ khá "vô vọng" vào số tiền thưởng Tết nên dễ dẫn đến tâm lý bất bình khi nghe thông tin một vài đơn vị mà người ta không mấy hài lòng về chất lượng phục vụ lại thưởng Tết cho nhân viên bằng năm, bảy tháng lương mỗi dịp Tết đến. Thậm chí đầu năm đi chúc Tết nhau người ta cũng không quên chê trách ông thủ trưởng đơn vị mình không biết lo cho nhân viên. Buồn vậy đó!
Không vì cả xã hội lo âu, so sánh hay bất bình mà từng đơn vị có thể cải thiện được món tiền "thưởng Tết", hay chính xác là tháng lương thứ mười ba. Và có lẽ nên bỏ cách nhập hai khái niệm này làm một vì sẽ làm nặng nề thêm cảnh cuối năm xuân về mà nhà mình, đơn vị mình không bằng người ta. Lương, thưởng là mục người lao động và người sử dụng lao động đã cùng nhau ký thỏa thuận.
Áp lực của các thông tin thưởng Tết đè nặng lên những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, làm các chủ doanh nghiệp lo lắng hay băn khoăn vì có vẻ như không trả được nợ cho nhân viên. Rồi con mắt phán xét của cả xã hội soi mói vào những ngành "nghe đâu được thưởng Tết nhiều lắm" để tìm ra những điểm mà họ thấy không xứng đáng rất vô căn cứ.
Rồi cả mạng lưới hoạt động kinh tế đưa nhau vào mớ bòng bong hoàn tất công trình, đòi nợ, rút vốn về như một cơn khủng hoảng tiền mặt khiến tất cả những người làm kinh doanh thấy những ngày cuối năm thật quá nặng nề.
Tết là khái niệm vui xuân truyền thống, và để có một cái Tết vui trọn vẹn thì mọi ngành, mọi nhà đều đã cố gắng quanh năm để đem lại cho nhau niềm vui đã thỏa thuận trước. Hãy vui Tết như thể tận hưởng thành quả sau một năm cố gắng làm việc!
Theo Doanh nhân Sài gòn