1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vụ 8 trẻ đuối nước ở Hoà Bình: Yêu cầu tăng cường các biện pháp khẩn cấp

(Dân trí) - Chiều tối 21/3, sau sự việc 8 trẻ đuối nước tử vong ở Hoà Bình, UB Quốc gia về trẻ em đã gửi công văn khẩn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, triển khai cơ quan chức năng có biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng.

duoi nuoc.jpg

Khu vực 8 trẻ tử vong do đuối nước chiều 21/3 tại Hoà Bình. (Ảnh: Đàm Quang)
 

Trong Công văn, Ủy ban Quốc gia về trẻ em nêu rõ, trong quý 1/2019 đã xảy ra liên tiếp các vụ đuối nước gây tử vong cho trẻ em tại một số địa phương. Đặc biệt, ngay trong chiều ngày 21/3, trong lúc ra tắm sông Đà, 8 học sinh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã bị đuối nước tử vong thương tâm.

Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH với tư cách là cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng.

Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Trẻ em đã cử Đoàn công tác của Ủy ban lên tỉnh Hòa Bình thăm hỏi, động viên và gửi lời chia buồn tới gia đình các cháu.

Các biện pháp được nêu, cụ thể:

Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em.

Tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện việc xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Đồng thời, Công văn cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại cơ sở; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.

Rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, cụ thể như làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm.

Các cơ quan chức năng cần xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Ngành giáo dục và đào tạo tăng cường phối hợp với cơ quan LĐ-TB&XH, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em ở trường học, trong gia đình và cộng đồng.

Phúc Thanh - Hoàng Mạnh