Vụ 43 lao động VN ở Nhật Bản: Nội dung xác minh khác xa với đơn kêu cứu
(Dân trí) - Chiều 21/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã có phản hồi chính thức về thông tin 43 lao động VN kêu cứu ở Nhật Bản khi gặp điều kiện làm việc, ăn ở tồi tệ, mức lương thấp. Theo đó, thông tin chỉ từ 1 cá nhân và thực tế không hẳn như nội dung trong đơn.
Theo ông Tống Hải Nam - Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, Đại sứ quán VN tại Nhật Bản đã triển khai việc xác minh ngay sau khi có đơn đề nghị giúp đỡ của lao động Nguyễn Quang Hưng, đang làm việc tại nhà máy Seinan tại tỉnh Iwate, công ty con của công ty Freesia House Corporation (6-8-3 Sotokanda Chiyoda-Ku, Tokyo), hôm 15/3.
Theo nội dung đơn đề nghị giúp đỡ, các điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt tại Nhật không như các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết.
Ngay sau đó, Ban Quản lý lao động Việt Nam (thuộc Đại sứ quán VN) tại Nhật Bản đã có buổi làm việc với công ty Freesia House tại Tokyo để nắm tình hình sơ bộ. Theo đó, thực tế có 33 lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo diện kỹ sư thông qua hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với công ty Freesia House, chứ không phải 43 lao động.
Trong số 33 lao động này, có 9 lao động làm việc tại nhà máy Seinan tại tỉnh Iwate, gồm lao động Nguyễn Quang Hưng và 8 lao động khác.
Chiều ngày 18/3, đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã đến nhà máy Seinan, tại tỉnh Iwate. Đây là nơi lao động Nguyễn Quang Hưng và 8 lao động Việt Nam khác đang làm việc để kiểm tra tình hình thực tế điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động.
“Để tránh những vụ việc tương tự xảy ra, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nói chung và đi làm việc ở Nhật Bản nói riêng phải tìm hiểu kỹ các điều kiện làm việc, ăn ở trong hợp đồng sẽ ký với công ty sử dụng lao động nước ngoài và chỉ ký hợp đồng khi đã thực sự hiểu cũng như đồng ý với các điều kiện đó” - ông Tống Hải Nam cho biết.
Theo phản ánh của 8 lao động Việt Nam đang làm việc tại nhà máy Seinan, lá đơn là do lao động Nguyễn Quang Hưng tự viết. Đơn chỉ có ý kiến của riêng cá nhân lao động Hưng, không phải là ý kiến chung của tập thể lao động.
Đặc biệt, nội dung đơn phản ánh không đúng thực tế về điều kiện làm việc, ăn ở của người lao động tại nhà máy Seinan.
Qua trao đổi, 8 lao động này cho biết, lao động Hưng sống và làm việc cùng nhà máy với nhóm lao động này nhưng không hoà nhập với tập thể. Trong công việc anh Nguyễn Quang Hưng cũng không có sự chủ động, tự giác mà phải nghe sự nhắc nhở của người Nhật làm cùng thì mới làm việc.
8 lao động và đại diện BQL lao động VN tại nhà máy Seinan (Ảnh: Cục QLLĐNN)
Thêm nữa anh Nguyễn Quang Hưng cũng không chịu khó học tập tiếng Nhật để làm tốt công việc được giao.
Từ ngày 1/3, Công ty thông báo, anh Hưng không phù hợp và sẽ chấm dứt hợp đồng lao động cho về nước. Đến ngày 14/3 đã có quyết định chính thức, nên anh Nguyễn Quang Hưng đã rời khỏi nhà máy Seinan đi đến ở Trung tâm của Tổng công ty Freesia ở Tokyo để tiếp tục giải quyết.
Theo xác minh thực tế của đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại nhà máy cũng như theo phản ánh của 8 lao động Việt Nam khác đang làm việc tại nhà máy, những ý kiến phản ánh của lao động Hưng đa phần không đúng sự thật về điều kiện làm việc ăn ở, sinh hoạt tại nhà máy Seinan tại tỉnh Iwate.
Tổng thu nhập hàng tháng của người lao động là hơn 200.000 yên, sau khi trừ chi phí tiền nhà, gas, điện, nước, bảo hiểm... Các lao động còn giữ lại khoảng 100.000-120.000 yên trong tài khoản. Về vấn đề chỗ ở, các lao động cho biết họ hài lòng với chất lượng nơi ở cũng như đồng ý với công ty Seinan về mức khấu trừ tiền nhà mà công ty này đang thực hiện.
Về ăn uống, những lao động này cho biết việc ăn gạo lứt là truyền thống của công ty, tất cả lao động làm việc tại đây từ người Nhật Bản, người Việt Nam. Các lao động đến từ nhiều nước khác đều ăn như vậy và các bữa ăn đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để lao động có năng lượng làm việc. Nhìn chung, các lao động đều hài lòng với điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt hiện tại.
Theo nhận định của Cục Quản lý lao động ngoài nước, vấn đề chính ở đây là bản thân lao động Nguyễn Quang Hưng. Lao động này không xác định rõ mục đích đi làm việc tại Nhật Bản, khi sang Nhật Bản không chăm chỉ và chủ động làm việc, không chịu khó học tiếng Nhật để nâng cao trình độ cũng như không hòa đồng với tập thể mà luôn đòi hỏi công việc nhẹ nhàng và có mức lương cao.
Trên cơ sở đó, ông Tống Hải Nam đưa ra khuyến cáo: “Trong trường hợp các điều kiện làm việc và ăn ở thực tế không được đảm bảo như hợp đồng đã ký, người lao động không được tự ý nghỉ việc mà cần liên hệ với các cơ quan chức năng (Cơ quan quản lý lao động địa phương nơi người lao động làm việc; doanh nghiệp/tổ chức phái cứ; Ban Quản lý lao động Việt Nam/Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại…) để được can thiệp hỗ trợ yêu cầu các điều kiện làm việc và ăn ở như hợp đồng đã ký cho người lao động”.
Hoàng Mạnh