Vỡ mộng làm giàu, chủ homestay ở Đà Lạt tiếc thời thu 120 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Sau những ngày "hốt bạc" khi ôm tiền lên TP Đà Lạt đầu tư, giờ đây nhiều chủ homestay, quán cà phê tại thành phố ngàn hoa ê chề vì cảnh ế khách, doanh thu ngày càng xuống dốc không phanh.
Trở lại TPHCM vào đầu tháng 6, chị Quỳnh Mai (36 tuổi) cho hay đã quyết định làm lại từ đầu, khi khởi nghiệp thất bại. Sau hơn 4 năm "xoay vòng" ở TP Đà Lạt, chị đã sang nhượng lại quán cà phê tại Đà Lạt, rồi về TPHCM mở một quán khác.
Theo chị Mai, đến đầu 3/2023, mô hình quán cà phê tại Đà Lạt thực sự bão hòa, thậm chí dư thừa khi có nhan nhản quán mọc lên. Cung lớn mà nguồn cầu lại yếu, các quán cà phê ở thành phố ngàn hoa đều thưa vắng khách. Quán cà phê của chị Mai không ngoại lệ.
Điêu đứng vì vắng khách
"Tôi khởi nghiệp, giai đoạn khó khăn nhất là từ khi các công trình xây dựng nhận lệnh giới hạn số lượng nhân công, không được phép tập trung quá 10 người trong thời điểm dịch bệnh. Trở ngại đúng giai đoạn hoàn công khiến chi phí đầu tư tăng lên hơn 50%. Tiến không được, lùi không xong, chúng tôi chỉ có thể cắn răng mà bước tiếp", chị Mai kể lại quá trình ôm tiền lên Đà Lạt làm quán cà phê.
Từ khó khăn đó, quán cà phê của chị Mai liên tiếp gặp nhiều trở ngại do các yếu tố khách quan.
"Tình hình kinh tế, việc làm khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch của phần lớn du khách. Ngoài ra, gần đây, nhiều hình ảnh về Đà Lạt ngập lụt, mưa bão đã khiến du khách khá e dè khi đến thành phố vốn thơ mộng này", chị Mai chia sẻ.
Toàn bộ tiền vốn đổ dồn vào quán, nhưng doanh thu chỉ vừa đủ duy trì sinh hoạt phí của bản thân và vận hành nên sau 4 năm hoạt động, chị Mai chưa thu hồi được vốn ban đầu.
Mang theo nhiều mộng mơ khi đến Đà Lạt khởi nghiệp, chị đành ngậm ngùi từ bỏ, quay trở về TPHCM để cắt cảnh phải "gồng" nợ mỗi tháng.
Chị Trương Thị Nguyên Hân (36 tuổi, chủ homestay (dịch vụ lưu trú) tại TP Đà Lạt) cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách những ngày cuối tuần chỉ lấp đầy 50% số phòng.
Các dịp lễ, tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%, dù chị đã cố giữ giá như ngày thường. Có hơn 7 năm kinh nghiệm vận hành dịch vụ lưu trú, chị Hân đánh giá, đây là khoảng thời gian khó khăn nhất.
"Tôi mở homestay trên đất của gia đình, có lượng khách quen, không phải chật vật gánh chi phí thuê nhà đất nhưng vẫn ê chề. Những bạn trẻ ở xa đến khởi nghiệp, phải thuê nhà đất, cơ sở hẳn là phải đối mặt với khó khăn gấp bội", chị Hân nhận định.
Đồng cảnh với nhiều homestay khác, lượng khách tại cơ sở lưu trú của anh Trịnh Ngọc Tiến (32 tuổi) cũng giảm 60% so với trước đây. Doanh thu chỉ đủ duy trì hoạt động, thậm chí một số tháng phải bù lỗ. Bản thân anh và đội ngũ phải mở thêm quán cà phê, tận dụng nhiều nguồn thu để bám trụ.
"Vào những dịp lễ trước đây, doanh thu của homestay lên đến 120 triệu đồng/tháng. Nhưng giờ chỉ vỏn vẹn 30-40 triệu đồng. Nếu cứ tiếp tục thế này, tôi phải đóng cửa homestay để tính đến chuyện làm lại cái", anh Tiến ngán ngẩm.
Giảm giá, ưu đãi vẫn... ê chề
Anh Ngọc Tiến nhận định, những người khởi nghiệp làm homestay cùng thời điểm với anh, nay cũng đã chuyển nhượng gần hết.
"Khởi nghiệp ở Đà Lạt không giống như lời đồn "dễ dàng hốt bạc". Thực tế, chi phí xây dựng tại đây rất đắt đỏ, có thể gấp 3 lần so với những nơi khác. Ngoài ra giấy phép xây dựng, thủ tục hành chính rất phức tạp. Chủ doanh nghiệp cũng khó tiếp cận, kiếm được nguồn lao động có trình độ, tay nghề", anh Tiến nhận định.
Không những vậy, ông chủ homestay cho hay, các loại hình dịch vụ khác tại Đà Lạt cũng ngày càng đắt đỏ nhưng không đi đôi với chất lượng, khiến du khách chán nản.
Bên cạnh đó, khi những công trình giao thông điển hình như cao tốc nối TPHCM đến TP Phan Thiết hoàn thành, du khách mặn mà với các địa điểm du lịch mới, hướng về phía biển hơn Đà Lạt.
Để níu chân khách, chị Nguyên Hân đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi như giảm 30% giá phòng các ngày trong tuần, không tăng giá dịp lễ, khách đến 1 mình được giảm 50% giá phòng,… Vậy mà tình hình kinh doanh vẫn không mấy khả quan.
"Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, người mất việc, giảm lương nhiều quá, ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch chung, khiến nguồn khách sụt mạnh. Trong khi đó, nguồn cung phòng lưu trú, quán cà phê... càng tăng. Thực tế, rất nhiều người trẻ đổ xô lên Đà Lạt để khởi nghiệp thời gian qua.
Là người trong nghề, tôi khuyên mỗi người cần cân nhắc thật kỹ trước khi khởi nghiệp tại thành phố này, vì có nhiều thứ không giống những gì bạn được nghe hay tưởng tượng", chị Hân nói.
Chị cho rằng, suy nghĩ ngắn hạn, làm chớp nhoáng khó có cửa thành công. Yếu tố cần thiết là sự kiên trì, nỗ lực cầm cự lâu dài, hi vọng tình hình du lịch tại Đà Lạt sẽ trở lại khả quan như trước, nhờ vào những chương trình xúc tiến du lịch, tiến độ hoàn thành thi công các công trình giao thông và kinh tế dần ổn định.