Phố thời trang sầm uất nhất TPHCM ế ẩm chưa từng thấy, shop "chết" la liệt
(Dân trí) - 19h, dòng xe đông đúc di chuyển qua đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM) vậy mà anh Tí (35 tuổi, nhân viên shop thời trang Kỳ Kỳ) vẫn ngồi ngáp ngắn ngáp dài ngóng mãi không có khách ghé mua hàng.
Lỗ vốn vì... "gồng" mặt bằng
Rảnh tay, anh Tí xếp đi xếp lại quần áo trong shop (cửa hàng), cố mang những mẫu mới nhất, hút mắt nhất ra các vị trí mặt tiền. Sửa tới sửa lui mấy lần, anh Tí lại quay về chiếc ghế nhựa, ngồi chờ…
Anh Tí làm nhân viên bán hàng trên đoạn đường Nguyễn Trãi đã được hơn 7 năm. Đây cũng là cửa hàng quần áo của em trai anh, đã kinh doanh được khoảng 10 năm. Từ Tết Nguyên đán 2023, hai anh em vật lộn, xoay xở vì chưa từng thấy cảnh tượng ế ẩm như này.
"Trước đây, doanh thu một ngày 5-10 triệu đồng là bình thường. Còn giờ bán được hơn 1 triệu là vui rồi, có ngày còn chẳng bán được cái áo nào. Nhìn đường phố, người xe qua lại đông đúc vầy thôi chứ tầm 20h là vắng hoe rồi, chủ shop chán tới mức không thèm ra luôn", anh Tí ỉu xìu.
Mỗi tháng, shop quần áo phải gồng gánh chỉ riêng tiền mặt bằng đã 40 triệu đồng, chưa kể chi phí điện, nước, nhân viên, bảo trì,… Các tháng sau Tết, em trai anh tháng nào cũng "đau đầu" vì những khoản lỗ.
Nam nhân viên bán hàng có thâm niên chia sẻ, ế ẩm là tình trạng chung của hầu hết các tiểu thương kinh doanh trên đoạn đường này. Một số cửa hàng đã chủ động sa thải nhân viên bán hàng, bảo vệ để cắt giảm chi phí. Bản thân người chủ phải tự bán hàng, kiểm tra hàng rồi kiêm luôn công việc bảo vệ, dắt xe vì quá vắng khách.
Nhớ về thời "hoàng kim" trước đây, anh Tí không thôi thở dài: "Cửa hàng tôi trước đây đặc biệt là thường có người nổi tiếng lui tới. Chúng tôi từng tiếp nườm nượp khách hàng mỗi đêm. Con đường này từng là nơi mua sắm sôi động, đông đúc nhất Sài Gòn, vì hàng hóa rất dễ mua. Nhưng giờ hết cảnh đó rồi, chúng tôi phải lấy tiền bán được trong Tết bù lại khoản lỗ trong thời gian này".
Cách đó không xa, tiệm bán vớ, phụ kiện giày của chị Linh cũng không khấm khá hơn. May mắn, mặt bằng là của gia đình nên bản thân chị không quá áp lực lo tiền thuê cửa hàng. Nhưng chứng kiến cảnh ế ẩm của không ít cửa hàng trên cùng con phố cũng là mối lo khắc khoải khác.
"Vài cửa hàng ngang shop tôi đã trả mặt bằng, dừng kinh doanh. Một số người treo bảng xả hàng, thanh lý đồ nhưng vẫn chỉ lác đác người ghé mua", chị Linh nói.
Bà Thư, chủ shop quần áo nhỏ trên đường Nguyễn Trãi cũng than, tình hình buôn bán ế ẩm trên đoạn đường này đã diễn ra suốt mấy tháng sau Tết Nguyên đán 2023.
"Thời gian vừa mở cửa lại sau dịch, chúng tôi còn bán được. Nhưng giờ đây sức mua giảm hơn 60%, hàng chậm lắm. Một ngày bán được vài bộ là vui rồi, thời điểm khó khăn chung, cũng phải cố chịu thôi", bà Thư cho hay.
Shop thời trang "hết thời"
Theo anh Tí, nguyên nhân ế ẩm có thể đến từ xu hướng mua hàng online đang thịnh hành. Thực tế, mặt hàng thời trang được chia ra làm 2 dạng cơ bản, gồm đồ cao cấp và hàng bình dân. Đối với những mặt hàng cao cấp, người mua thường thích đến thẳng cửa hàng để thử, kiểm tra chất lượng vì sản phẩm có giá trị rất cao.
"Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế nhiều biến động, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Giờ mọi người thích mua hàng bình dân hơn, có đồ mặc là được chứ không cần ra tiệm thử, không còn ưu tiên thời trang cao cấp nữa. Mặt hàng thường thì có thể mua online, giá cả phải chăng hơn", anh Tí phân tích.
Nhiều năm qua, cửa hàng của gia đình anh Tí cũng mở rộng quy mô bán hàng trên thị trường online. "Có thể nói, sức mua online cao hơn nhiều. Chúng tôi phải dùng doanh thu bán hàng online để gồng gánh cho cửa hàng", anh chia sẻ.
Dù thị trường online đầy tiềm năng, giúp ích trong việc duy trì kinh doanh cho cửa hàng nhưng gia đình anh vẫn chưa nghĩ đến chuyện chuyển hẳn sang mô hình này.
"Chúng tôi bán ở đây đã lâu, giờ đóng cửa thì sẽ mất đi lượng khách quen. Đó là những người thích đến shop thử đồ rồi mới mua. Hơn nữa, thị trường online rất khó cạnh tranh. Nếu giờ bỏ cửa hàng, tập trung bán online, lỡ không thành công thì coi như mất trắng", anh Tí bộc bạch.
Anh Mạnh Dũng (22 tuổi) cho biết, thời sinh viên, anh thường ra đường Nguyễn Trãi để mua quần áo. Cứ cách khoảng 2 tháng, anh lại ra mua một lần vì đồ ở đây giá phải chăng, nhiều cửa hàng, rất thuận tiện. Tuy nhiên, hiện tại kinh tế khó khăn, mọi mặt hàng đều lên giá, để tiết kiệm chi phí, hiếm khi anh còn mua sắm.
"Ngoài ra, một cái áo nếu mua online sẽ rẻ hơn, vì người bán không cần cộng chi phí mặt bằng, nhân viên vào đó. Đây là xu hướng chung, bạn bè tôi cũng hiếm khi ra shop mua, hầu hết giờ chỉ ngồi ở nhà, chọn là có người giao tới. Phí giao hàng chỉ vài chục nghìn, món hàng lại rẻ hơn một nửa", anh Dũng nói.
*Tên một số nhân vật đã được thay đổi