Doanh thu 800 triệu đồng/tháng nay giảm 90%, nghệ nhân thủ công "vỡ mộng"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Từ một công việc vừa thỏa mãn đam mê, vừa mang lại thu nhập "khủng", không ít nghệ nhân thủ công giờ đây "khủng hoảng" khi đơn hàng giảm mạnh.

Chật vật xoay sở

Doanh thu trước khi trừ thuế cho 3 cửa hàng có khi lên đến 700-800 triệu nhưng giờ ráng lắm chỉ tầm 100 triệu đồng. Hiện doanh thu không đủ để tôi duy trì 2 mặt hàng tại trung tâm thành phố", anh Tô Duy Kha (nghệ nhân cắm hoa vải) cho hay.

Doanh thu 800 triệu đồng/tháng nay giảm 90%, nghệ nhân thủ công vỡ mộng - 1

Anh Tô Duy Kha, nghệ nhân cắm hoa vải thừa nhận rằng thị trường các sản phẩm thủ công đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Là một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cắm hoa, anh Kha từng đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước. Từ đó, những sản phẩm của anh luôn nhận được sự ưa chuộng của nhiều khách hàng.

Ở giai đoạn cao điểm nhất, nhờ vào kỹ năng cắm hoa điêu luyện, những sản phẩm này có thể mang về cho người nghệ nhân hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng, đến nay nhu cầu khách hàng ngày càng sụt giảm.  

Trong 13 năm theo đuổi đam mê và kinh doanh lĩnh vực nghệ thuật hoa vải, anh Kha chưa từng thấy cảnh tượng ế ẩm như năm nay. Từ đơn hàng bạc triệu, nay chỉ cần có đơn vài trăm nghìn hay những sản phẩm gia công nhỏ, anh Kha vẫn cố "vét" để kiếm doanh thu xoay sở tiệm.

Chị Trần Thị Tường Vui (38 tuổi, ngụ quận 4) là một nghệ nhân hoa đất sét đến nay đã được hơn 15 năm. Chị Vui chia sẻ, trước đây, mỗi tháng chị có vài chục đơn hàng lớn, nhỏ và cung cấp ra thị trường hơn 200kg đất sét/tháng. Đôi lúc, đơn hàng đến liên tục khiến chị và chồng không làm xuể.

Doanh thu 800 triệu đồng/tháng nay giảm 90%, nghệ nhân thủ công vỡ mộng - 2

Theo nghệ nhân hoa đất sét, đơn hàng giảm là khó khăn chung đối với các nghệ nhân sau Tết Nguyên đán 2023 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Những đơn hàng thường đến từ các công ty quảng cáo. Họ cần những mô hình để trưng bày, quay quảng cáo hoặc những ai có nhu cầu muốn trưng bày, tặng sản phẩm đất sét. Nhờ đó, mỗi tháng tôi có thể kiếm được 20-30 triệu đồng. Riêng về bán đất sét, tôi cũng có thể kiếm thêm 20 triệu đồng nữa", chị Vui nói.

Tuy nhiên, những tháng gần đây đơn hàng giảm đến 60% khiến chị Vui "sững người". Theo nghệ nhân hoa đất sét, nguyên nhân có thể do sự khó khăn chung của nền kinh tế.

"Nhiều người thắt chặt chi tiêu, chỉ dùng tiền vào những nhu cầu thiết yếu hơn nên sản phẩm handmade (thủ công) bị gác sang một bên. Bởi nó chỉ thỏa mãn thị giác là chính", chị Vui nhận định.

Từ công việc nuôi sống cả gia đình, vợ chồng chị Vui dần chật vật hơn vì thiếu đơn hàng. Chi tiêu gia đình tiết kiệm hơn, việc ăn uống phải cân nhắc, du lịch phải hạn chế tối đa.

Kiếm việc làm thêm để nuôi đam mê nghệ thuật

Theo nghệ nhân Tường Vui, vì quen biết nhiều đồng nghiệp trong ngành nên chị hiểu rất rõ khó khăn chung. Nhiều nghệ nhân trong cộng đồng cũng đang chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm.

Là người cung cấp đất sét cho các nghệ nhân, chị Vui cho hay thay vì nhập vài chục kg đất sét mỗi tháng, các nghệ nhân giờ đây phải cách vài tháng mới đặt mua đất sét một lần.

"Một số đồng nghiệp "vỡ mộng", phải kinh doanh thêm công việc khác để kiếm tiền trang trải. Nhưng họ vẫn còn chút ít niềm tin rằng khi qua giai đoạn khó khăn thì khách hàng sẽ quay trở lại. Bản thân tôi cũng hy vọng nhiều vào điều đó", nữ nghệ nhân bộc bạch.

Nghệ nhân tranh cá 3D, thư pháp Nguyễn Tấn Đạt (ngụ quận 3, TPHCM) đồng cảm rằng thị trường các sản phẩm handmade đang gặp nhiều khó khăn. Trước năm 2019, trung bình mỗi tháng anh Đạt kiếm được khoảng 10 triệu đồng nhờ các nguồn khách du lịch trong và ngoài nước, những người yêu thích nghệ thuật, các hội chợ triển lãm,…

Doanh thu 800 triệu đồng/tháng nay giảm 90%, nghệ nhân thủ công vỡ mộng - 3

Nghệ nhân tranh cá 3D, thư pháp Nguyễn Tấn Đạt kỳ vọng nhiều về sự khởi sắc của sản phẩm thủ công sau khi vượt qua được giải đoạn khó khăn này (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đến năm 2023, thu nhập 5 triệu đồng/tháng đã là thách thức lớn đối với nghệ nhân tranh cá 3D.

"Có những tháng chẳng buôn bán được gì, buộc lòng tôi phải gồng mình và thu hẹp lại các khoản kinh doanh khác. Bản thân cũng phải làm thêm các ngành nghề tay trái thì mới mong có tiền trang trải cuộc sống. Số tiền kiếm được từ việc làm thêm bên ngoài cũng được trích ra để nuôi dưỡng ngành thủ công mỹ nghệ mà mình đam mê", anh Đạt ngán ngẩm.

Theo anh, ngoài nguyên nhân thắt chặt chi tiêu, hiện tượng "rớt giá" ở các mặt hàng handmade cũng khiến những nghệ nhân khác phải chật vật.

"Các bạn hàng do phải chịu chôn vốn khá lâu nên đã bán thanh lý sản phẩm với giá dưới vốn. Điều này khiến các sản phẩm handmade bị rớt giá nghiêm trọng, gây khó khăn cho những người đang cố duy trì nghề thủ công", nam nghệ nhân nói.

Không dừng lại ở đó, sự cạnh tranh khốc liệt đến từ Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân. Bởi, không ít đơn vị từ nước này đã nhận gia công các sản phẩm lưu niệm với giá rẻ hơn giá sản xuất các sản phẩm thủ công tại Việt Nam.

"Mẫu mã cũng là một vấn đề nan giải. Bởi một người nghệ nhân phải vét cạn ý tưởng để làm ra một sản phẩm, khi bán ra thì lại bị "sao chép" tràn lan trên thị trường. Vậy nên để giữ lửa đam mê, người nghệ nhân phải đối mặt với nhiều thử thách trước câu chuyện mưu sinh", anh Đạt thẳng thắn.