"Việt Nam đã thực hiện mạnh mẽ cam kết về khung việc làm bền vững mới"
(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, Việt Nam đã thực hiện tốt nhiều chính sách để hỗ trợ hình thành thị trường việc làm bền vững từ năm 2017 nhờ bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò bệ đỡ.
Gần đây, các chuyên gia nói nhiều đến việc xây dựng thị trường lao động bền vững và việc làm thỏa đáng. Theo ông, việc xây dựng thị trường lao động bền vững cũng như việc làm thỏa đáng tại Việt Nam đã được thực hiện như thế nào trong những năm qua?
- Thị trường lao động bền vững và việc làm thỏa đáng là mục tiêu của thị trường lao động Việt Nam nói chung và của các trung tâm việc làm tại các tỉnh. Việc làm thỏa đáng được hiểu là đảm bảo và thỏa mãn theo nguyên tắc việc làm chính và không ai bị bỏ lại phía sau.
Xét trên yêu cầu về mặt chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục Việc làm đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện, duy trì, hỗ trợ người lao động việc làm bền vững. Tiêu biểu và cụ thể nhất là chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững - cũng là mục tiêu mà Chính phủ đang đặt ra.
Việt Nam đã thực hiện mạnh mẽ cam kết về khung bền vững mới. Năm 2017, chúng ta đã có những chương trình nghị sự và kế hoạch rất cụ thể. Trên thực tế, để có việc làm bền vững, các cơ sở đào tạo nghề và giáo dục nghề nghiệp phải hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động; các địa phương phải tạo ra môi trường, điều kiện làm việc giúp doanh nghiệp đầu tư.
Đây là điều kiện tiên quyết để tạo ra việc làm bền vững và việc làm thỏa đáng, để các đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh hiện nay, khi khủng hoảng về kinh tế, chính trị, bệnh dịch… gây áp lực lên thị trường lao động, việc làm bền vững càng thể hiện vai trò quan trọng của nó tại mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn khu vực.
Bảo hiểm thất nghiệp có vai trò như thế nào trong việc hình thành thị trường lao động bền vững?
- Bảo hiểm hiện nay thường được hiểu là nơi hỗ trợ cho người lao động trong thời kỳ mất việc làm tạm thời thôi. Nhưng điều quan trọng hàng đầu là sử dụng sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để cho lao động học nghề và chuyển đổi nghề, giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động với tâm thế tốt hơn.
Nhờ những kỹ năng mới được đào tạo, khả năng tiếp cận các ngành nghề mới, tính bền vững về việc làm của các lao động sẽ cao hơn nhiều, nhất là trong thị trường lao động tương lai. Đây cũng là một trong những mục tiêu rất nhân văn của bảo hiểm thất nghiệp.
Theo tôi, tại Việt Nam, bảo hiểm thất nghiệp đã được thực hiện rất bài bản có tính lan tỏa cao. Đơn cử là thời điểm sau khi Covid-19 bùng phát, quỹ này đã giống như bệ đỡ, giúp người lao động vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Đây thực sự là chính sách có hiệu quả hàng đầu, quan trọng hàng đầu.
Thời điểm đó cũng có những chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ, như Nghị quyết 68. Đây là một trong những nghị quyết đi rất đúng và trúng thời điểm, khi mà người lao động đang chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh. Nhờ đó, lao động khôi phục được vị trí ngành nghề mà họ đã làm từ trước, doanh nghiệp thay đổi cơ cấu dây chuyền sản xuất, duy trì hoạt động đến nay.
Ông vừa là đại diện các Trung tâm Dịch vụ việc làm có chuyến tập huấn và trao đổi kinh nghiệm tại Thái Lan cùng hơn 10 quốc gia khác. Có điều gì từ các quốc gia khác có thể rút ra trong chuyến tập huấn này để học tập và áp dụng nhằm xây dựng thị trường lao động bền vững?
- Theo tôi, thị trường lao động ở mỗi nước có đặc trưng và trình độ phát triển khác nhau, do đó, chúng ta không hẳn học tập họ, mà chỉ tham khảo để vận dụng sáng tạo.
Tại hội nghị này, quan điểm của các nước là tìm ra tiếng nói chung, chủ trương chung để kết nối thị trường lao động các quốc gia, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn.
Thách thức ngày nay là thị trường lao động của các nước đang tách rời, ở các lĩnh vực có sự chênh lệch lớn giữa nước này và nước khác. Nhưng sắp tới đây, với vai trò của ILO và với sự tham gia vào cuộc của các quốc gia, mà tại Việt Nam cụ thể là Cục Việc làm và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thì thông tin thị trường lao động sẽ được bao trùm cho cả khu vực.
Từ đây, nhu cầu tuyển dụng sẽ được tất cả các quốc gia nắm bắt thông suốt, và quá trình tìm kiếm việc làm của người Việt, hay người Thái Lan… sẽ không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia, lãnh thổ, mà còn vươn ra khu vực và thế giới.
Điều quan trọng nhất để Việt Nam có thể tận dụng được những thuận lợi này là nâng cao trình độ của lao động trong nước, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng quốc tế. Ở đó, vai trò của các Trung tâm Dịch vụ việc làm như cầu nối của người lao động tới các đơn vị đào tạo nghề nghiệp, kỹ năng càng trở nên quan trọng hơn.