Việt Nam có 26 triệu dân số là trẻ em

(Dân trí) - “Một vấn đề lớn được cả thế giới quan tâm đó là tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Đây là một trong những vấn nạn đối với trẻ em trên phạm vi toàn cầu, trong đó Châu Á là một trong các khu vực có tỷ lệ bạo lực, xâm hại trẻ em cao trên thế giới”.

Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước, phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và UBND thành phố Hà Nội tổ chức sáng 27/5 tại Hà Nội.

Nhận định tại Lễ phát động về công tác chăm sóc trẻ em nhiều năm qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, cả nước hiện có 26 triệu trẻ em, chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có trẻ em đã được cải thiện đáng kể từ nhiều khía cạnh như về dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục, phát triển con người, phát triển xã hội nói chung.

Điều này có được bởi trong những năm qua, Việt Nam đã có những cam kết có cam kết chính trị mạnh mẽ và xây dựng nhiều chính sách thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, góp phần làm cho các chỉ số xã hội của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt.


Các đại biểu tặng quà trẻ em tại Lễ phát động

Các đại biểu tặng quà trẻ em tại Lễ phát động

“Tháng hành động vì trẻ em năm nay, chúng ta có thêm món quà đặc biệt. Đó là Luật trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6. Đây là cơ sở pháp lý và thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện quyền trẻ em trong tình hình mới” - Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước bày tỏ lo ngại vì thực tế nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại có nguy cơ ngày càng tăng. Trong điều kiện gần đây xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bệnh tật, bỏ học, lao động sớm, bị tai nạn thương tích, đuối nước còn nhiều, nhất là trẻ em trong các gia đình nghèo, trẻ em thiếu sự chăm sóc, giáo dục và bảo vệ của gia đình.

Để ngăn chặn những nguy cơ xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cùng các địa phương tích cực triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Luật trẻ em năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đặc biệt thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em,

“Tôi đề nghị Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cần quán triệt để triển khai mạnh mẽ, giải thiểu các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay” - Phó Chủ tịch nước nói.

Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch nước, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhận định: Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu trẻ bởi đó là tương lai của dân tộc, thịnh hay suy của dân tộc trong tương lai cũng phần lớn nhờ vào lớp trẻ hiện nay.

“Chính bởi vậy, chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 là triển khai Luật Trẻ em, cũng dịp để chúng ta hiểu và thực hiện sâu sắc hơn nữa những việc làm cụ thể nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho thế hệ trẻ hiện nay” - bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Cũng tại Lễ Phát động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các bậc phụ huynh hãy nói không với bạo lực trẻ em, các cơ quan chức năng chú trọng công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý các thành viên gia đình, giáo viên, giáo viên cần giáo dục, phổ biến cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại.

“Bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn đề toàn cầu. Trên thế giới, ước tính có 120 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân bị bạo lực tình dục. Gần một tỉ trẻ em thường xuyên phải chịu hình phạt thể chất. Các nghiên cứu cho thấy, gánh nặng của vấn đề này nặng nề nhất là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ước tính được công bố gần đây cho thấy xấp xỉ cứ ba trẻ thì có hai trẻ em tuổi từ 2-17 ở Châu Á đã phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực, xâm hại nghiêm trọng. Việt Nam cũng không nằm ngoài hiện tượng này” - ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam.

Hoàng Mạnh