1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Viên chức tuyển dụng trước 1/7/2003, ký hợp đồng thế nào?

Ông Phạm Bình Minh (Sơn La) được tuyển dụng làm giáo viên từ năm 2000. Đến năm 2008, ông Minh chuyển công tác sang đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở A, có quyết định của Sở Nội vụ, mọi chế độ quyền lợi đều được đảm bảo. Hiện tại ông là viên chức, tuy nhiên ông chưa ký kết hợp đồng làm việc nào với đơn vị.

Đến nay đơn vị sự nghiệp nơi ông làm việc căn cứ quy định phân cấp quản lý đề nghị ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với ông. Ông Minh hỏi, việc ông được tuyển dụng từ năm 2000 khi chưa có Luật Viên chức, đến nay ông phải ký hợp đồng như vậy có đúng không?

Ông Nguyễn Văn B làm cùng đơn vị với ông Minh, được tuyển dụng từ năm 2010, hợp đồng làm việc do cấp Sở ký kết theo phân cấp. Đến nay đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở cũng đề nghị ký lại hợp đồng làm việc không xác định thời hạn do thay đổi phân cấp quản lý, như vậy có đúng không?

Ngoài ra, trước đây viên chức đã ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay đơn vị đã đổi tên khác, đơn vị thực hiện ký kết lại hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo tên mới của đơn vị với viên chức. Như vậy có đúng không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Phạm Bình Minh như sau:

Luật Viên chức quy định, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.

Theo đó, hợp đồng làm việc là cơ sở xác định quyền, nghĩa vụ của viên chức và đơn vị sự nghiệp sử dụng, quản lý viên chức, làm căn cứ giải quyết khi có tranh chấp phát sinh giữa viên chức và đơn vị sự nghiệp sử dụng, quản lý viên chức.

Điều 59 Luật Viên chức quy định chuyển tiếp đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng trước khi Luật Viên chức được ban hành và có hiệu lực như sau:

Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng.

Viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2003 đến ngày Luật này có hiệu lực (1/1/2012) tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của Luật này.

Khoản 1 Điều 43 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện ký kết hợp đồng làm việc đối với viên chức theo quy định tại Điều 59 Luật viên chức như sau:

Đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với viên chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 25, Điều 26, Điều 28, Điều 29, Điều 30 Luật Viên chức và Khoản 2 Điều 18 Nghị định này, bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng;

Đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2003 đến ngày 1/1/2012, căn cứ thời gian công tác; hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn đối với viên chức theo quy định của Luật Viên chức;

Đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày 1/1/2012, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc ký hợp đồng làm việc theo quy định tại Luật Viên chức.

Về việc ông Phạm Bình Minh hỏi, đối chiếu các quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP nêu trên thì, việc đơn vị sự nghiệp công lập yêu cầu ký mới hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với trường hợp với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003 nhưng sau ngày Luật Viên chức có hiệu lực cho đến nay vẫn chưa ký kết hợp đồng làm việc; ký lại hợp đồng làm việc không xác định thời hạn do có thay đổi về phân cấp quản lý, thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc đối với viên chức đã tuyển dụng từ năm 2010; ký lại hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với viên chức do đơn vị sự nghiệp thay đổi tên gọi, là có căn cứ, đúng pháp luật.

Việc đơn vị sự nghiệp thực hiện ký mới và ký lại hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với viên chức như 3 trường hợp ông Phạm Bình Minh phản ánh, là thực hiện đúng quy định viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc; thực hiện đúng quy định về phân cấp quản lý, thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc; xác định đúng chủ thể giao kết hợp đồng làm việc là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức.

Việc ký mới hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với ông Minh là viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003 mà sau khi Luật Viên chức có hiệu lực đến nay mới ký; và ký lại hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với 2 viên chức khác (cùng đơn vị ông Minh) theo đúng loại hợp đồng đã ký trước đây với họ; bảo đảm việc làm, điều kiện làm việc, chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ đang hưởng, là đúng quy định; các quyền lợi khác của viên chức liên quan đến quá trình công tác, thâm niên nghề, thời gian tham gia BHXH bắt buộc, quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN được bảo đảm.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.