Quảng Trị:

Viên chức, lao động Trung tâm quản lý di tích có cơ hội trở lại làm việc

Đăng Đức

(Dân trí) - Sau khi cân đối nguồn lực, cùng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Trị, sẽ có nhiều viên chức, lao động Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng có cơ hội trở lại làm việc.

Ngày 22/2, ông Nguyễn Quang Chức - Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị - cho hay: " UBND tỉnh Quảng Trị vừa có quyết định tạm cấp kinh phí cho Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh để chi trả tiền lương năm 2021 cho hợp đồng lao động của đơn vị bị giảm sút nguồn thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19".

Cũng theo ông Nguyễn Quang Chức, trong 9 điểm di tích, chỉ một số ít điểm bán vé: Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, sân bay Tà Cơn; nhiều điểm di tích không tổ chức bán vé, đồng nghĩa với việc không có nguồn thu.

"Theo quy định, 3 điểm di tích, gồm: Thành cổ Quảng Trị, nhà đày Lao Bảo, đền Bến Tắt… được cho phép sử dụng nguồn công đức khi không có nguồn thu. Đây là 3 điểm di tích có tính đặc thù, không tổ chức bán vé, trong khi người làm việc đông. Vừa rồi, Trung tâm quản lý di tích đề xuất cho 14 cán bộ các đơn vị này được hưởng lương từ nguồn công đức", ông Chức nói.

Viên chức, lao động Trung tâm quản lý di tích có cơ hội trở lại làm việc - 1

Du khách đến thăm Di tích Vịnh Mốc khi chưa xảy ra dịch bệnh

Theo lãnh đạo Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, cùng với 14 cán bộ hưởng lương từ nguồn công đức, mới đây UBND tỉnh tạm cấp kinh phí 350 triệu đồng cho đơn vị để trả lương cho lao động trong năm 2021.

"Với nguồn kinh phí UBND tỉnh tạm cấp sẽ giải quyết trả lương cho 10 cán bộ, viên chức làm việc tại các điểm di tích trong 5 tháng. Với số lao động còn lại, đơn vị sẽ cân đối nguồn thu để hợp đồng thêm một số cán bộ, nhân viên", ông Chức giải thích.

Được biết, Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị có 44 viên chức, lao động làm việc tại các khu di tích.

Đợt dịch bệnh Covid-19, thiên tai năm 2020 xảy ra khiến hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Trong thời gian gặp khó khăn, đơn vị phải tạm hoãn hợp đồng lao động luân phiên đối với nhân viên, cân đối ngân sách để trả lương. Phần lớn lao động tại một số điểm di tích phải tạm nghỉ việc.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 17, tỉnh Quảng Trị phấn đấu xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn tới.

Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho hay, di tích là đối tượng chính để khai thác du lịch. Trong khi đó, các hướng dẫn viên, cán bộ công tác hơn 20 năm phải nghỉ việc hoặc có tư tưởng tìm nghề khác. Khi du khách đến tham quan các điểm di tích nhưng không có hướng dẫn viên dẫn đến hình ảnh du lịch Quảng Trị bị giảm đi.

Để đảm bảo quyền lợi cho viên chức, Trung tâm Quản lý di tích đã có tờ trình gửi Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Sau đó, Sở VH-TT&DL có tờ trình 109/TTr-SVHTTDL gửi UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị bố trí ngân sách để trả lương cho viên chức, lao động.

"Đơn vị sẽ họp để bàn phương án, cố gắng cân đối nguồn lực, tạo điều kiện cho các lao động được trở lại làm việc. Tuy nhiên, với khả năng trong tình hình hiện tại ở các di tích, dự kiến chỉ thu đủ trả lương cho khoảng 7-9 người", ông Chức nói.