Quảng Trị:
Thiếu ngân sách trả lương, nhiều viên chức, lao động phải nghỉ việc
(Dân trí) - Đó là thực trạng đáng buồn với cán bộ Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, khi hơn 40 viên chức, lao động của đơn vị buộc phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc.
Nhiều viên chức chưa trở lại làm việc dù Tết đã cận kề
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch. Số lượng khách đến tham quan các điểm du lịch, di tích trên địa bàn giảm sút, nguồn thu từ bán vé các điểm di tích của Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị chỉ đạt 30% so với năm 2019.
Trước tình hình đó, Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng buộc phải tạm hoãn hợp đồng đối với số lao động hưởng lương từ nguồn thu. Cụ thể, trong năm qua đã tạm hoãn hợp đồng lao động luân phiên đối với 30 lao động, 14 lao động còn lại phải bố trí nguồn khác để trả lương.
Anh Trần Văn Minh - Cán bộ Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cho biết, đại dịch Covid-19 xảy ra gây nên khó khăn chung đối với nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch.
Năm vừa qua, do nguồn thu từ hoạt động du lịch giảm sút nên anh phải nghỉ việc 6 tháng. Trong thời gian này, do dịch bệnh nên khó tìm công việc mới, cuộc sống rơi vào khó khăn. Hiện anh mới được trở lại làm việc thời gian 2 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, một số cán bộ đang phải nghỉ việc không được hưởng lương.
"Làm việc tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cũng là thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thế nhưng, thời gian qua có thời điểm công việc bị gián đoạn. Tôi hy vọng cấp trên quan tâm hỗ trợ chế độ, tạo điều kiện cho anh em trở lại làm việc", anh Minh nói.
Bà Lê Thị Tố Hoài - Trưởng Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lẫn thiên tai khiến hoạt động du lịch bị sụt giảm cả về số lượng lẫn nguồn thu. Riêng tại di tích Hiền Lương, nguồn thu chỉ bằng một nửa so với năm trước. Trong tình hình khó khăn đó, nhiều lao động buộc phải nghỉ việc, do không có kinh phí trả lương.
Theo bà Hoài, tại Ban quản lý di tích Hiền Lương có 9 cán bộ thì 7 người phải nghỉ việc luân phiên. Người nghỉ nhiều nhất là 7 tháng.
"Những cán bộ nghỉ việc không có lương, chỉ nhận được hỗ trợ từ công đoàn. Do nghỉ việc nên đời sống nhiều nhân viên rất khó khăn, ai cũng có hoàn cảnh riêng. Hiện nay, lượng du khách đang dần trở lại tham quan tại di tích, nhưng số lượng chưa đáng kể. Hy vọng thời gian tới và dịp Tết Nguyên đán sẽ đông hơn", bà Hoài cho hay.
Mong chờ bố trí kinh phí trả lương
Ông Nguyễn Quang Chức - Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh - cho biết, dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.
Đơn vị có 45 nhân viên (trong đó, 1 người xin thôi việc) làm việc tại các khu di tích hưởng lương từ nguồn thu. Trong thời gian gặp khó khăn, đơn vị phải tạm hoãn hợp đồng lao động luân phiên đối với nhân viên, cân đối ngân sách để trả lương. Phần lớn lao động tại một số điểm di tích phải tạm nghỉ việc.
Đáng chú ý, tại các khu di tích như Vịnh Mốc, Hiền Lương có 9 hướng dẫn viên nhưng tạm hoãn lao động khoảng 7 người, di tích Tà Cơn 5 người phải nghỉ hết…
Hiện nay, trừ di tích lịch sử Quốc gia Thành cổ Quảng Trị, hầu hết các điểm di tích chỉ duy trì bảo vệ, không có nhân viên phục vụ du khách.
Việc tạm hoãn hợp đồng lao động, thiếu hụt người làm việc tại các điểm di tích làm xáo trộn hoạt động của trung tâm, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch. Mặt khác, để đảm bảo cuộc sống, các viên chức, thuyết minh viên đã được đào tạo, có kinh nghiệm, lành nghề đang có xu hướng chuyển đổi công việc khác, về lâu dài có nguy cơ "chảy máu" nguồn nhân lực.
Lãnh đạo Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh cho rằng, những cán bộ làm việc tại các điểm di tích đều có quá trình gắn bó lâu dài, người làm việc thời gian dài nhất là 22 năm, người ít cũng hơn 10 năm.
Để đảm bảo quyền lợi cho viên chức, Trung tâm đã có tờ trình gửi Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Mới đây, Sở VH-TT&DL có tờ trình 109/TTr-SVHTTDL gửi UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị bố trí ngân sách để trả lương cho viên chức, lao động.
Tờ trình nêu rõ, hiện hoạt động du lịch đang có dấu hiệu phục hồi nhưng nguồn thu từ bán vé tại các điểm di tích chưa đáng kể, Sở VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh quan tâm, đồng ý chủ trương bố trí ngân sách năm 2021 để trả lương cho số viên chức, lao động hưởng lương từ nguồn thu đang đảm nhận công tác thuyết minh, hướng dẫn tại các điểm di tích nhằm duy trì hoạt động tại các điểm tham quan di tích.
Dự báo, dịp Tết nguyên đán Tân Sửu lượng khách tham quan sẽ đông hơn, nhưng đội ngũ hướng dẫn viên đang nghỉ việc.
Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 17 đề ra, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách trong việc quảng bá, thu hút các nhà đầu tư. Nhiều dự án du lịch đã được khởi động, hứa hẹn biến mảnh đất Quảng Trị trở thành điểm đến lý tưởng trong tương lai.
Ngoài ra, ngành Văn hóa- Thể thao & Du lịch cũng xây dựng các sản phẩm nhằm kích cầu du lịch nội địa, khôi phục các dịch vụ du lịch để thu hút du khách đến với địa phương.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đã được Chính phủ đồng ý cho tổ chức lễ hội mang ý nghĩa hòa bình, dự kiến sẽ được tổ chức vào năm tới.
Ông Nguyễn Quang Chức cho rằng, việc quan tâm bố trí kinh phí trả lương cho nhân viên các điểm di tích nhằm duy trì hoạt động tại các điểm tham quan di tích, tránh gây sự xáo trộn, tốn kém nguồn lực đào tạo, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, đưa ngành du lịch địa phương phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Liên quan đến vấn đề bố trí kinh phí trả lương cho viên chức, người lao động, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản giao Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh.