Viên chức được tuyển dụng đặc cách, xếp lương thế nào?

Ông Nguyễn Văn Nam (Đắk Lắk) dạy môn tin học tại trường THCS, đóng BHXH từ ngày 1/4/2012 đến năm 2020 theo chế độ hợp đồng. Năm 2015, ông tốt nghiệp đại học hệ tại chức, được xếp lương bậc 1/9 hệ số 2,34.

Năm 2018, ông được nâng lương lên bậc 2/9 với hệ số 2,67. Tháng 9/2020, ông Nam được tuyển dụng đặc cách vào viên chức, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III (Mã số V.07.04.12). Thời gian tính nâng lương lần sau kể từ ngày 1/1/2019.

Ông Nam hỏi, cách xếp lương khi tuyển dụng viên chức đối với ông đã đúng quy định chưa?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Ngày 16/9/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS công lập.

Đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II - Mã số V.07.04.11: Tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư này quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên THCS hạng II - Mã số V.07.04.11 như sau:

- Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS;

- Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT;

- Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên THCS hạng II.

Đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III - Mã số V.07.04.12: Tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên THCS hạng III - Mã số V.07.04.12 như sau:

-  Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên hoặc cao đẳng các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS;

- Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT;

- Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Nam là giáo viên dạy môn tin học tại 1 trường THCS, đóng BHXH từ ngày 1/4/2012 đến năm 2020 theo chế độ hợp đồng. Năm 2015, ông có bằng tốt nghiệp đại học hệ tại chức, được xếp lương bậc 1/9 hệ số 2,34. Năm 2018, ông được nâng lương lên bậc 2/9 với hệ số 2,67. Tháng 9/2020, căn cứ yêu cầu tuyển dụng viên chức của đơn vị, ông Nam được tuyển dụng đặc cách vào viên chức, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III (Mã số V.07.04.12), ký hợp đồng làm việc theo chức danh đó, là đúng với vị trí việc làm đơn vị cần tuyển dụng, phù hợp với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của ông Nam (có bằng cao đẳng sư phạm trở lên hoặc cao đẳng các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên).

Căn cứ xếp lương đối với viên chức

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, người được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số 2,10 đến hệ số lương 4,89).

Khi cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh giáo viên THCS quy định tại Thông tư liên tịch này. Việc xếp lương thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm a Khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức, như sau:

Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau:

Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ. Thời gian hưởng lương ở chức danh mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào chức danh mới.

Cụ thể trường hợp ông Nam đang hưởng lương bậc 2/9, hệ số lương 2,67. Tháng 9/2020, ông được tuyển dụng vào viên chức, bổ nhiệm chức danh giáo viên THCS hạng III (MS: V.07.04.12); căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở chức danh cũ là 2,67 (bậc 2/9 - thang lương viên chức A1) để xếp vào hệ số lương cao hơn gần nhất ở chức danh mới là hệ số lương 2,72 (bậc 3/10 - thang lương viên chức A0) là đúng quy định.

Thời gian ông Nam hưởng lương mới (bậc 3/10 hệ số 2,72) được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào chức danh giáo viên THCS hạng III.

Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở chức danh mới được tính như sau: Do chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở chức danh mới so với hệ số lương đang hưởng ở chức danh cũ (2,72 - 2,67 = 0,05) nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở chức danh cũ (2,67 - 2,34 = 0,33), nên thời gian xét nâng bậc lương lần sau của ông Nam được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng (2,67) ở chức danh cũ.

Thông tin ông Nam cung cấp có nêu vào năm 2018 ông được xếp lương bậc 2/9 hệ số 2,67 nhưng không nêu rõ ngày, tháng nào của năm 2018. Do đó không có cơ sở xác định chính xác thời gian tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày, tháng nào của năm 2018.

Trường hợp đơn vị tuyển dụng viên chức có lưu trữ, hoặc ông Nam có quyết định nâng lương thường xuyên hoặc các tài liệu khác chứng minh ông Nam hưởng lương, đóng BHXH theo bậc 2/9 hệ số lương 2,67 kể từ ngày 1/1/2019. Thì tại quyết định tuyển dụng viên chức ghi thời gian tính nâng lương lần sau kể từ ngày 1/1/2019 là đúng quy định.

         Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.