Lái tàu đường sắt đô thị lương 15 triệu đồng/tháng, vì sao khó tuyển?
(Dân trí) - Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2021. Tuyến đường cần nhiều lái tàu, nhưng đến nay, mới chỉ có 60 hồ sơ tham gia ứng tuyển.
Việc nhẹ lương cao
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Hành chính Tổ chức, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết: “Chỉ tiêu tuyển dụng lái tàu của toàn tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội là 50 người, thế nhưng hiện tại, sau 7 tháng tuyển lái tàu mới chỉ nhận được 60 hồ sơ nộp dự tuyển”.
Điều kiện tuyển dụng lái tàu điện là người tốt nghiệp PTTH trở lên, tuổi đời từ 22 đến dưới 40 tuổi. Một số người trúng tuyển sẽ được công ty cử đi đào tạo nghề lái tàu ở nước ngoài, thời gian học khoảng 1 năm, được công ty trả chi phí học, tiền ăn ở.
“Ứng viên lái tàu phải có giấy chứng nhận sức khoẻ của Bệnh viện GTVT trung ương theo yêu cầu ứng tuyển vị trí lái tàu điện, theo quy định theo thông tư số 12/2018 của bộ y tế” - ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết thêm.
Ông Ngọc chia sẻ: “Đây là một ngành nghề rất có tiềm năng phát triển trong tương lai. Lao động làm nghề lái tàu sẽ được làm việc trong môi trường văn minh, sạch sẽ, được hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Người lao động sẽ được làm việc cho công ty có 100% vốn nhà nước, đảm bảo tính ổn định và lâu dài”.
Ngoài những điều kiện trên, để trở thành nhân viên lái tàu cần có tính kỷ luật cao đồng thời phải trang bị cho mình nhiều “kỹ năng mềm” khác như kỹ năng giao tiếp, hiểu biết xã hội, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng làm hài lòng khách hàng.
Được biết, Khi tuyến đường sắt trên đi vào hoạt động, lái tàu được trả mức lương 13-15 triệu đồng/tháng và hưởng các chế độ, chính sách của doanh nghiệp Nhà nước như ăn trưa, thưởng năng suất.
Ông Nguyễn Văn Ngọc cho rằng đây là một nghề mới và sẽ phát triển mạnh mẽ song song với sự phát triển của đường sắt đô thị.
“Đỏ mắt” tìm lái tàu
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc để có được 60 hồ sơ đăng ký xét tuyển Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã phải mở 3 đợt nhận hồ sơ.
Lý giải về vấn đề này ông Ngọc cho rằng, nguyên nhân do thời gian bắt đầu tuyển dụng đúng vào dịp xảy ra dịch Covid-19, gây ảnh hưởng đến việc đi lại, làm thủ tục hồ sơ của các ứng viên.
“Cũng có thể, do đây là nghề mới mẻ nên chưa thu hút sự quan tâm của người có nhu cầu tìm việc. Mặc dù đang trong “cơn khát” việc làm của toàn xã hội, nhưng chúng tôi vẫn chật vật trong việc tìm kiếm nhân sự làm nghề lái tàu” - ông Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ.
Trước đây, để tuyển đủ 37 lái tàu cho tuyến đường sắt đô thị Metro số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông phải mất tới 2 năm, từ đầu năm 2014 đến đầu năm 2016 mới hoàn thành.
Theo thiết kế, để có thể vận hành tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến cần khoảng hơn 600 người tại 112 vị trí việc làm khác nhau. Thế nhưng việc đào tạo, tuyển dụng vẫn còn phụ thuộc vào tiến độ của dự án.
Ông Ngọc cho biết: “Việc tuyến Metro số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông trì trệ trong việc đưa vào hoạt động cũng là lý do khiến nhiều người dè chừng khi nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí lái tàu cho tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội”.
Metro Hà Nội đã mời tuyển tại các đơn vị vận tải, cơ sở đào tạo trong ngành đường sắt nhưng đến nay chưa tuyển đủ người. Để mở rộng đối tượng tuyển dụng cũng như tuyển đủ nhân sự lái tàu, trong đợt tuyển dụng tới đây, Công ty Đường sắt Hà Nội sẽ tuyển cả những ứng viên là người ở các địa phương khác ngoài Hà Nội.