1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vì sao tỷ lệ lao động tự do An Giang nhận tiền hỗ trợ còn thấp?

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Cách đây 4 ngày, có 30.400 lao động tự do trên địa bàn An Giang nhận hỗ trợ, đạt tỷ lệ 20%. Nhưng đến sáng nay, toàn tỉnh đã có hơn 87.000 người/150.000 người nhận tiền hỗ trợ, đạt tỷ lệ trên 50% .

Ngày 15/10, trao đổi với PV Dân trí, ông Châu Văn Ly - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang - cho biết, theo báo cáo nhanh, ngày 11/10 số lao động tự do (nhóm 12 theo Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ) toàn tỉnh An Giang mới chi hỗ trợ cho hơn 30.400/150.000 lao động tự do được duyệt, đạt tỷ lệ 20%.

Đến sáng 15/10, sau khi danh sách lao động tự do tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh duyệt kinh phí hỗ trợ, các địa phương nhanh chóng chi hỗ trợ đến tay người dân nâng tổng số lên 87.000/150.0000 lao động tự do, đạt tỷ lệ hơn 50%.

Vì sao tỷ lệ lao động tự do An Giang nhận tiền hỗ trợ còn thấp? - 1

Đến ngày 15/10, An Giang đã chi hỗ trợ cho 87.000 lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Hành).

Theo ông Châu Văn Ly, nguyên nhân một số địa phương chi tiền hỗ trợ còn chậm cho nhóm lao động tự do là vì các địa phương tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mặt khác các địa phương thận trọng rà soát cho đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng để khi bà con nhận tiền, tránh trường hợp khiếu nại.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang cho biết thêm, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã kiểm soát, từng bước trở lại trạng thái bình thường mới. UBND tỉnh chuẩn bị ban hành kế hoạch khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế xã hội cho những tháng cuối năm.

Vì sao tỷ lệ lao động tự do An Giang nhận tiền hỗ trợ còn thấp? - 2

Những ngày vừa qua, An Giang đã đón trên 54.000 người lao động ngoài tỉnh về địa phương. Hiện ngành chức năng đang thống kê, đối với số lao động có nguyện vọng ở lại địa phương tìm việc, địa phương giới thiệu đến các công ty trên địa bàn tỉnh (Ảnh: Thanh Hùng).

Liên quan đến việc hơn 54.000 người dân An Giang ngoài tỉnh trở về địa phương từ ngày 1/10 đến nay, ông Châu Văn Ly cho biết, Sở LĐ-TB&XH là một trong những thành viên trong Ban đón công dân ngoài tỉnh trở về địa phương.

Do đó, đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cùng các đơn vị khác thực hiện việc tiếp đón công dân, chăm lo công tác an sinh và thực hiện việc cách ly y tế tại nhà (trường hợp đủ điều kiện), cách ly y tế tập trung.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang đang phối hợp với lãnh đạo các huyện, thành phố tiến hành thống kê số lao động có nhu cầu trở lại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… lao động; thống kê số lao động có nhu cầu cần việc làm tại địa phương, từ đó kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH, tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các địa phương đưa số công nhân trở lại nơi làm việc.

Vì sao tỷ lệ lao động tự do An Giang nhận tiền hỗ trợ còn thấp? - 3

Hiện tại chính quyền địa phương các xã phường trên địa bàn An Giang tập trung giám sát cách ly tại nhà đối với số lao động hồi hương, đồng thời hỗ trợ nhu yếu phẩm để người lao động an tâm cách ly tại nhà (Ảnh: Nguyễn Hành).

Còn đối với số lao động có nhu cầu việc làm tại An Giang, sau khi có số liệu cụ thể, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh lên kế hoạch tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động An Giang hồi hương thời gian qua khi người lao động hết thời gian cách ly.

Cũng theo lãnh đạo ngành lao động An Giang, đối với những lao động đã tiêm vaccine, lao động đang có tay nghề may mặc, giày da… sẽ liên kết với các công ty trên địa bàn tỉnh để tuyển dụng. Vì từ đây đến cuối năm, các công ty này đang có nhu cầu tuyển dụng trên 6.000 lao động. Ngoài ra, các công ty nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra trên địa bàn An Giang cũng đang có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động.

Hiện tại, ngành chức năng tỉnh An Giang đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho toàn dân, ưu tiên tiêm cho người trên 65 tuổi; công nhân, tài xế và nhiều đối tượng khác, sẵn sàng cho kế hoạch mở cửa phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương sau hơn 4 tháng "đóng cửa" vì đại dịch Covid-19.

Theo quyết định của UBND tỉnh An Giang, nhóm lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Điều kiện đầu tiên là những lao động đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh bị gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đối tượng cụ thể, gồm: Người làm các nghề, công việc bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; người thu gom rác, phế liệu không có địa điểm cố định; những người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa (bằng xe gắn máy 2 bánh, xe thô sơ, xe ba gác); lái xe mô tô 2 bánh (xe ôm), xe lôi chở khách.

Những lao động tự làm hoặc làm thuê trong các lĩnh vực: Cơ sở ăn uống, giải khát, lưu trú (phục vụ bàn, đầu bếp, phụ bếp, lễ tân, tạp vụ); làm đẹp (cắt tóc, uốn tóc, làm móng); chăm sóc sức khỏe (massage  bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu); xây dựng (thợ hồ, phụ hồ).