Vì sao sau Tết, nguồn nhân lực ít biến động?

Đa số các doanh nghiệp có những kế hoạch ổn định nhân lực sau Tết, thông qua các chính sách lương thưởng, phúc lợi, các hoạt động hỗ trợ lao động.

Từ sau Tết đến nay, tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh Đông Nam Bộ, tình hình lao động ít biến động. Các doanh nghiệp cần nhiều lao động chủ yếu do mở rộng quy mô sản xuất. Vì sao năm nay lao động có xu hướng ít dịch chuyển công việc?

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bình Tiên, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với trên 4.000 lao động, trong đó trên 50% công nhân ngoại tỉnh, chủ yếu thuộc các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Khối sản xuất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bình Tiên cho biết, ngay từ ngày đầu năm mới, lực lượng lao động khá ổn định và đến nay không có sự biến động nào.

Năm nay, lao động tại các doanh nghiệp không biến động sau Tết
Năm nay, lao động tại các doanh nghiệp không biến động sau Tết

“Với số nhân sự của công ty trở lại làm việc sau Tết khoảng 95 đến 97% như vậy là điều rất phấn khởi cho năm nay. Tôi nghĩ rằng năm nay, công ty chúng tôi sẽ phát triển hơn nữa và sản lượng sản xuất sẽ cao hơn năm trước” – bà Thu cho biết.

Trong năm 2016, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, với số lượng cần tuyển trên 60.000 lao động. Nguyên nhân do nước ta đã chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), tới đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên thu hút khá nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, mở rộng sản xuất.

Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm nay, tỉnh Đồng Nai đã thu hút trên 460 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt trên 46% kế hoạch cả năm. Cũng xu hướng mở rộng sản xuất như tỉnh Đồng Nai, tại tỉnh Bình Dương, đã có hơn 110 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng với số lượng hơn 20.000 lao động nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng với các đối tác trong năm mới.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh mức lương cơ bản của công nhân, tăng từ 350 đến 800.000 đồng/tháng theo quy định. Điều này tạo phấn khởi cho người lao động làm việc gắn bó, ít có sự thay đổi về công việc hơn.

Chị Trần Thị Tâm, công nhân ở Khu Công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương cho biết: “Chúng tôi mong công việc ổn định, lương khá và có chế độ phúc lợi tốt. Chỉ cần công ty tốt thì tôi sẽ gắn bó lâu dài”.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, thị trường lao động thành phố sau Tết Nguyên đán khá ổn định. Đa số các doanh nghiệp có những kế hoạch ổn định nhân lực sau Tết thông qua các chính sách lương thưởng, phúc lợi, các hoạt động hỗ trợ lao động quay lại làm việc, nên sự thiếu hụt lao động diễn ra không cao, bình quân từ 3% đến 4%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, mức độ di chuyển lao động trong các doanh nghiệp bình quân từ 6 đến 8%. Trong tháng 3 này, dự đoán thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 26.000 lao động cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Điều này minh chứng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và tại thành phố Hồ Chí Minh phát triển ổn định, tạo ra nhiều việc làm. Nhiều doanh nghiệp phát triển kinh doanh ổn định đều có sự tính toán nguồn nhân lực trước Tết, giữ lực lượng lao động; đồng thời có chiến lược thu hút lao động cho năm 2016”.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh, hội có khoảng 400 doanh nghiệp với hơn 3.500 lao động. Năm nay, các doanh nghiệp tuyển nhân lực chủ yếu là do mở rộng sản xuất, hoặc doanh nghiệp mới thành lập. Thay vì chú trọng tuyển nhân lực với số lượng lớn, các doanh nghiệp dệt may hiện đang nghiên cứu và đầu tư chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ quản lý.

Với những cơ hội mới từ việc gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới, việc ổn định nhân lực sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp chú trọng nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động, tạo sức bật và tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi hội nhập kinh tế thế giới.

Theo VOV.VN