1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Xuất hiện chênh lệch cung cầu về trình độ

(Dân tri) - Trên thị trường lao động TPHCM, nhiều ngành đang xuất hiện tình trạng nguồn cung lao động thì nhiều nhưng lao động trình độ cao, đáp ứng nhu cầu công việc lại thiếu.

Xuất hiện chênh lệch cung cầu về trình độ - 1
Lao động nhiều nhưng lao động có tay nghề cao thì thiếu

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), thì có nhiều ngành nghề nguồn cung lao động liên tục tăng cao nhiều tháng qua, đặc biệt là trong tháng 10/2011, như: kế toán – kiểm toán (31,95%), quản lý nhân sự - hành chánh văn phòng (16,03%), công nghệ thông tin (15,33%), marketing – nhân viên kinh doanh (8,24%), quản lý điều hành (4,38%)…

Tuy nhiên, đồng thời với nguồn cung tăng cao là sự chênh lệch cung cầu về trình độ nhân lực. Như nhóm ngành kế toán – kiểm toán, quản lý nhân sự - hành chánh văn phòng là nhóm ngành hiện có thực trạng nguồn cung nhiều hơn so với nhu cầu tuyển dụng nhưng nhân sự có trình độ đại học, chuyên môn cao và kinh nghiệm vẫn là yêu cầu cần thiết của các doanh nghiệp lại thiếu.

Ngành công nghệ thông tin cũng đang có sự chênh lệch khá lớn trong nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng ngành công nghệ thông tin cần nhiều trình độ Trung cấp, Cao đẳng và Đại học chuyên ngành như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, tester, nhân viên triển khai phần mềm hệ thống, thiết kế lập trình web… nhưng nguồn cung nhân lực chiếm đa số là người có trình độ Đại học, còn hạn chế về kỹ năng và hiểu biết chưa phù hợp yêu cầu chuyên ngành.

Nhận định chung về thị trường lao động thành phố tháng 10/2011, ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Sự biến động về cung - cầu lao động diễn ra không cao như những tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do thành phố đã thực hiện có hiệu quả những giải pháp kiềm chế lạm phát và sự tác động tích cực của việc Chính phủ tăng lương tối thiểu áp dụng từ ngày 1/10/2011”.

Theo khảo sát của FALMI, chỉ  số nhu cầu tuyển dụng tháng 10/2011 tăng 7,86% so với chỉ số nhu cầu tuyển dụng tháng 09/2011. Nhu cầu thị  trường lao động tháng 10/2011 vẫn tập trung nhiều về số lượng đối với một số ngành nghề tuyển lao động phổ thông (49,20%) cho sản xuất kinh doanh và việc làm thời vụ như: Dệt may – Giày da (17,20%), Dịch vụ - Phục vụ (11,79%), Bán hàng (8,06%), Mộc - Mỹ nghệ - Trang trí nội thất (6,04%)…

Còn về nhu cầu lao động tháng 11, FALMI dự báo thị trường có xu hướng tuyển dụng với 22.000 chỗ làm, nhiều nhất vẫn là các ngành dệt may, bán hàng, marketing, cơ khí, dịch vụ - phục vụ, xây dựng, nhà hàng – khách sạn, y tế…

Ngoài ra, trong tháng 11, các doanh nghiệp tại TPHCM có nhu cầu tuyển dụng 10.000 chỗ làm việc thời vụ, bán thời gian cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Theo ông Trần Anh Tuấn thì 10.000 chỗ làm thời vụ trên chủ yếu là tuyển các lao động phổ thông, lao động các ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ, bán hàng, tiếp thị, nhà hàng – khách sạn, du lịch…

Tùng Nguyên