Vì sao lao động Đắk Nông ngại đi làm việc ở nước ngoài?

Đặng Dương

(Dân trí) - Đắk Nông có nguồn lao động lớn, trẻ nhưng không mấy người mặn mà với xu hướng xuất khẩu lao động. Họ chủ yếu vẫn tập trung sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Phần lớn vẫn sản xuất nông nghiệp

Huyện Đắk Glong là một trong số những địa phương của tỉnh Đắk Nông có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn so với tổng dân số.

Theo thống kê sơ bộ của huyện này, toàn huyện có khoảng 37.000 lao động, chiếm trên 50% dân số. Thế nhưng, chỉ có khoảng 8% số lao động được đào tạo. Số lao động còn lại, chủ yếu vẫn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, gắn với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Đặc biệt, một bộ phận trong số này là lao động trẻ, người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện di dân tự do, sinh sống tập trung trong vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, công việc hàng ngày chỉ là làm nương rẫy hoặc làm thuê theo mùa vụ.

Vì sao lao động Đắk Nông ngại đi làm việc ở nước ngoài? - 1

Lao động Đắk Glong chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, lao động tại địa phương chủ yếu vẫn sản xuất nông nghiệp, mùa nào thì làm nghề đó. Nếu ở nhà hết việc họ sẽ đi nhổ măng, lấy chuối rừng, bẻ đót chứ rất ít khi đi địa phương khác để làm ăn và không có ý định ra nước ngoài làm việc.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong, dù hàng năm địa phương triển khai nhiều chương trình kết nối việc làm, đào tạo nghề song số lao động được đào tạo, rời khỏi huyện đi làm ăn xa rất hạn chế so với tiềm năng.

Một trong những nguyên nhân là do phong tục, tập quán và thói quen sản xuất của người dân và tâm lý ngại giao tiếp, kết nối với người lạ, người khác dân tộc.

Thay đổi nhận thức về xuất khẩu lao động

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, trước đây, huyện Tuy Đức và Đắk Glong được bố trí kinh phí từ Trung ương để thực hiện Tiểu dự án về Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc Dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, nội dung hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn 2 huyện chưa thể thực hiện.

Vì sao lao động Đắk Nông ngại đi làm việc ở nước ngoài? - 2

Người dân có tâm lý không muốn đi làm việc xa gia đình, đặc biệt là đi xuất khẩu lao động.

Lý do là dân số của 2 huyện trên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tâm lý không muốn đi làm việc xa gia đình, đặc biệt là đi xuất khẩu lao động; một số lao động đã đăng ký tham gia nhưng không đảm bảo đủ điều kiện của doanh nghiệp, không đủ hồ sơ chứng từ theo quy định để được hỗ trợ.

Trong giai đoạn 2016-2020, số lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 900 người, chiếm 0,99% tổng số lao động được tạo việc làm. Thị trường chủ yếu được lựa chọn là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, nhiều nguyên nhân dẫn đến việc số lượng người đi xuất khẩu lao động còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, phần lớn số người lao động không đáp ứng được tiêu chí về trình độ, gặp khó khăn trong việc học nghề, học tiếng.

Cũng qua khảo sát, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông nhận thấy nhu cầu đi xuất khẩu lao động của một số địa phương không nhiều, công tác tuyển lao động tham gia xuất khẩu lao động trên địa bàn rất khó khăn nên các doanh nghiệp cũng không mặn mà tham gia thực hiện, phạm vi tuyên truyền chưa sâu rộng; cơ chế thanh quyết toán kinh phí đối với doanh nghiệp còn nhiều bất cập.

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho rằng, năm 2021, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành chỉ tiêu đưa người lao động đi xuất khẩu. Chính vì thế, năm 2022, Sở LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa 200 người đi xuất khẩu lao động. Nếu so với các địa phương khác, con số này vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu, ngành chức năng phải giải quyết các thách thức đặt ra.

Vì sao lao động Đắk Nông ngại đi làm việc ở nước ngoài? - 3

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, điều quan trọng là thay đổi nhận thức của người lao động đối với việc xuất khẩu lao động.

Theo ông Nam, điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người lao động, gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

"Người dân cần có nhìn nhận khác quan hơn về xuất khẩu lao động. Đây không chỉ là giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập mà còn giúp người lao động tiếp cận với những tiến bộ trong sản xuất, từ đó có thể áp dụng khi trở về nước. Thực tế cho thấy, nhiều lao động sau khi về nước đã mở các trang trại, tổ sản xuất tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương", ông Nam nói.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường phối hợp với các sở, ngành, tổ chức định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên nông thôn, trong đó chú trọng những thông tin về thị trường lao động, cung cấp những số liệu tin cậy giúp người lao động có điều kiện tiếp xúc với thông tin và những cơ hội tìm kiếm việc làm một cách đầy đủ và chính xác.