1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đắk Lắk:

Vì sao ít doanh nghiệp có cơ hội vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 68?

Thúy Diễm

(Dân trí) - Trong số gần 900 doanh nghiệp, công ty tại Đắk Lắk, chỉ có 7 đơn vị vay vốn ưu đãi để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Trên 1.800 doanh nghiệp có dưới 5 người lao động đóng bảo hiểm

Ngày 13/10, thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk cho biết, thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68, Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Đắk Lắk đã chủ động rà soát được 896/2.795 doanh nghiệp, công ty có người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trên toàn tỉnh.

Vì sao ít doanh nghiệp có cơ hội vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 68? - 1

Đắk Lắk có trên 1.800 doanh nghiệp, đơn vị có dưới 5 lao động đóng BHXH (Ảnh minh họa).

Trong đó, có 7 đơn vị tham gia vay với tổng số 204 lao động. Trong đó, 5 đơn vị vay vốn trả lương ngừng việc cho 139 lao động, 2 đơn vị vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải cho 65 lao động. Tổng số tiền vay là hơn 1,04 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết 68, với gói vay này, người sử dụng lao động sẽ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, số lượng doanh nghiệp vay vốn ưu đãi này rất ít, chỉ khoảng 1%.

Ông Nguyễn Minh Hướng - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đắk Lắk cho biết, qua rà soát, trong số 2.795 doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh có trên 1.800 doanh nghiệp có dưới 5 người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Đa phần những đơn vị này không có nhu cầu vay vốn vì nếu vay, số tiền cũng không lớn.

Cũng theo ông Hướng, ngay sau khi có quyết định triển khai Nghị quyết 68, phía ngân hàng chủ động liên hệ, mời gọi các doanh nghiệp, đơn vị tham gia vay vốn hỗ trợ này nhưng nhiều đơn vị vẫn không vay.

"Một số doanh nghiệp, công ty bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng hợp đồng thỏa thuận ngừng việc với người lao động là nghỉ không lương nên chưa đủ điều kiện vay vốn theo Nghị quyết 68. Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một số địa phương trong tỉnh đang trong thời gian giãn cách xã hội nên các công ty, doanh nghiệp chưa làm hồ sơ đề nghị vay vốn"- ông Nguyễn Minh Hướng cho hay.

Thanh kiểm tra doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm

Theo ông Nguyễn Khắc Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp có số lao động rất ít, có đơn vị chỉ có 2-5 lao động; một số đơn vị thuê lao động thời vụ, trả lương ngày nên có rất ít người lao động được đóng BHXH.

Vì sao ít doanh nghiệp có cơ hội vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 68? - 2

BHXH Đắk Lắk sẽ vào cuộc phối hợp cơ quan chức năng xử lý những doanh nghiệp nào có tình trạng trốn đóng BHXH (Ảnh: Thúy Diễm).

Ông Tuấn thừa nhận, có tình trạng doanh nghiệp lách, trốn đóng BHXH và BHXH Đắk Lắk có thông báo gửi các đơn vị để yêu cầu giải trình. Đồng thời, đơn vị sẽ thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH cho người lao động để có hướng xử lý.

"Các doanh nghiệp nếu trốn đóng BHXH từ 10 người có thể truy tố theo quy định pháp luật. Vì ít người lao động tham gia BHXH nên giá trị gói vay ưu đãi mà doanh nghiệp được hỗ trợ cũng không được nhiều", Giám đốc BHXH Đắk Lắk nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ quan BHXH đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khi doanh nghiệp gửi hồ sơ đến BHXH để xác nhận thì trong vòng một giờ sau sẽ gửi trả lời thông qua hệ thống giao dịch điện tử.

Theo báo cáo của BHXH Đắk Lắk, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3.300 doanh nghiệp, đơn vị tổng nợ BHXH gồm: BHXH, BHYT, BHTN, BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) với số tiền trên 196 tỷ đồng.

Cụ thể, nợ BHXH trên 134 tỷ đồng; BHYT trên 11 tỷ đồng; BHTN trên 4,6 tỷ đồng; BHTNLĐ-BNN trên 1 tỷ đồng và tổng số tiền nợ lãi lên tới trên 39 tỷ đồng. Trong tổng số trên 3.300 doanh nghiệp nợ bảo hiểm, có 43 đơn vị phá sản, 4 đơn vị đã giải thể, 313 đơn vị có chủ doanh nghiệp bỏ trốn.