Vì sao hàng trăm hồ sơ xin việc nhưng chỉ chọn được 1 người?
Tình trạng lao động đã qua đào tạo nhưng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường về lao động chất lượng cao hiện nay rất phổ biến.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm cả nước tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động, dạy nghề cho trên 1,8 triệu người, từng bước gắn dạy nghề với thị trường lao động và hội nhập quốc tế; đưa bình quân khoảng trên 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài trong mỗi năm, đạt 100,6% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 10,6% so với 5 năm trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lĩnh vực lao động việc làm vẫn chưa thực sự bền vững và đứng trước nhiều thách thức.
Việc làm không bền vững
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đánh giá trong năm 2015, cả 3 chỉ tiêu về lao động, việc làm đều vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, số lao động được tạo việc làm trên 1,6 triệu, tỷ lệ lao động qua đào tạo 51,6%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 3,35%, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp dịch vụ, mục tiêu giảm nghèo đã đạt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực lao động việc làm vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức và có những khó khăn tồn tại. Đó là chất lượng nguồn năng lực, năng suất lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. Số lao động thất nghiệp còn cao, nhất là lao động có trình độ đại học, cao đẳng không có việc làm đang có xu hướng gia tăng. Cơ cấu lao động còn chưa đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, (đại biểu đoàn Thanh Hóa) đánh giá, tình trạng lao động thiếu việc làm và thất nghiệp hiện rất đáng quan tâm. Chính phủ vẫn đánh giá con số đạt dưới 4% và giải quyết 1,6 triệu việc làm là đạt kết hoạch. Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý và hết sức khó khăn, đó là việc làm không bền vững.
Lao động ở khu vực không chính thức vẫn chiếm hơn 70% (đây là lĩnh vực việc làm bấp bênh, thiếu thu nhập). Còn lao động chính thức khoảng 30%. Tuy nhiên, trong khoảng 18 triệu lao động chính thức này thực chất chỉ hơn 10 triệu là bền vững, tức là có việc làm, thu nhập ổn định có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu lao động, chúng ta đặt ra đến năm 2020 chỉ còn 30% liệu có đạt được không, khi theo Chính phủ báo cáo năm 2015 vẫn còn 45%, trong khi thẩm tra trong TP HCM là 47%.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) dẫn chứng thêm: “Về chương trình giải quyết việc làm, đào tạo lao động, theo báo cáo đào tạo được mấy trăm nghìn, mấy triệu lao động. Nhưng thực tế chúng tôi thấy ở địa phương nông thôn thì lĩnh vực nào cũng làm đào tạo, song thử hỏi bao nhiêu người trong số mấy triệu lao động được đào tạo sinh kế bằng nghề đã được đào tạo? Ở nông thôn, nhiều phụ nữ đi học mấy chương trình may, làm bún, làm đậu... nhưng cuối cùng vẫn nghèo, vì không làm được gì với những nghề đó”.
Thừa thầy, thiếu thợ
Về nguyên nhân của tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp, ông Bùi Sỹ Lợi thừa nhận do chất lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Điều này tác động đến việc hội nhập ASEAN vào cuối năm nay, cũng như thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP. Mặc dù vậy, chi phí tiền lương trong giá thành sản phẩm của ta cao nhất trong khu vực (trên 18% so với khoảng 16%). Đây là biểu hiện của năng suất lao động thấp.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm: Về số lượng lao động qua đào tạo, theo Chính phủ là 51,6%, nhưng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư là chỉ có 22%. Song điểm lưu ý là cơ cấu nguồn lao động của ta rất bất hợp lý: đại học 1, trung cấp chuyên nghiệp 1,3 nhưng công nhân kỹ thuật chỉ có 0,92. Trong khi đó, cơ cấu hợp lý của quốc tế công nhân kỹ thuật phải cao hơn. Ở ta, đại học và trung cấp chuyên nghiệp rất cao, dẫn đến “nhiều thầy ít thợ”, nếu không điều chỉnh sẽ rất nguy hiểm.
Theo các đại biểu, tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp, chỉ đạt trên 20%. Trong khi đó, với 45% lực lượng lao động và 70% dân số đang ở nông thôn như hiện nay, nếu không được quan tâm đúng mức thì khó có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cách nào để lao động Việt theo được thế giới?
Theo đánh giá, tình trạng lao động đã qua đào tạo nhưng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường về lao động chất lượng cao hiện nay rất phổ biến. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) dẫn chứng: Trong khi chúng ta phát triển kinh tế thị trường nhưng việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực còn theo nếp cũ, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Có doanh nghiệp nhận hàng trăm hồ sơ sinh viên xin việc, nhưng khi cho vào vận hành máy móc thì chỉ tìm được một người. Sinh viên ra trường phải giấu bằng đại học đi làm thợ xây, phụ hồ, đánh giày, bán báo. Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét lại việc tuyển sinh và đào tạo đại học “đại trà” như hiện nay.
Đứng trước thách thức về lao động khi chúng ta chính thức tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch.
Trong đó chú trọng đến việc đào tạo lao động lành nghề, có tay nghề cao và giỏi ngoại ngữ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và cạnh tranh được với lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật tiên tiến, với năng suất lao động vượt trội của các nước trong khu vực và thế giới.
“Để làm tốt việc này, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, huy động các nguồn lực để đầu tư tập trung xây dựng các cơ sở dạy nghề có chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Đồng thời đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn, có đầy đủ cả kỹ năng thực hành và lý thuyết. Xây dựng giáo trình phù hợp để đào tạo nghề đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp vào thị trường lao động” – bà Lê Thị Yến đề xuất.
Theo VOV.VN