Vi phạm về Bảo hiểm xã hội mức phạt lên tới 30 triệu đồng
(Dân trí) - Người sử dụng lao động nếu vi phạm hành chính về Bảo hiểm xã hội (BHXH) bị phạt tối đa 30 triệu đồng. Phía người lao động nếu vi phạm trong lĩnh vực BHXH thì bị phạt tối đa đến 3 triệu đồng.
Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính về Bảo hiểm xã hội (BHXH) thay thế Nghị định ra đời từ 2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Theo đó, đối với hành vi vi phạm hành chính về pháp luật BHXH, người vi phạm phải chịu mức phạt tối thiểu là 100.000 đồng và mức phạt tối đa đến 30 triệu đồng (so với mức tối đa 20 triệu đồng theo Nghị định 135).
Cụ thể, nếu người sử dụng lao động không đóng BHXH cho toàn bộ người lao động (NLĐ) thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến dưới 2 triệu, khi vi phạm với từ 1 người đến 10 NLĐ; và từ 20- 30 triệu đồng, khi vi phạm với từ 501 NLĐ trở lên. Tùy tính chất và mức độ vi phạm, người sử dụng lao động còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật BHXH.
Đối với NLĐ, nếu không đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc hoặc thoả thuận với người sử dụng lao động không nộp BHXH bắt buộc sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung nội dung về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo đó, nếu người sử dụng lao động không đóng BHTN cho NLĐ thuộc diện tham gia BHTN sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng khi vi phạm với từ 1 người đến 10 NLĐ và phạt từ 10-15 triệu đồng, khi vi phạm với từ 101 người đến 501 NLĐ trở lên. Với NLĐ, nếu không đóng, chậm đóng hoặc thoả thuận với người sử dụng lao động không nộp BHTN sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng.
P. Thanh