(Dân trí) - Nghề chế tác đá mỹ nghệ tưởng chừng chỉ dành cho “cánh” đàn ông, thế nhưng ở làng Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) hàng chục phụ nữ vẫn mưu sinh bằng nghề cực nhọc này.
Đến làng Ninh Vân, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ cũng tay búa, tay đục hay cầm máy mài, máy đục... làm nghề điêu luyện chẳng khác gì các đấng mày râu.Đa số những phụ nữ làm nghề chế tác đá ở Ninh Vân có tuổi trên 30. Họ là những người bản địa, sinh ra đã biết đến nghề chế tác đá mà cha ông để lại, cũng có những phụ nữ lấy chồng về đây rồi học việc, mưu sinh bằng nghề cực nhọc này.Gia đình chị nào có điều kiện thì mở xưởng chế tác đá, còn nhiều người không có điều kiện thì đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp chồng có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học.Mỗi ngày, những người phụ nữ làm nghề chế tác đá thường làm việc từ lúc 7 giờ sáng và kết thúc khoảng 18 giờ tối. Tiền công làm việc mỗi ngày được tính bằng sản phẩm khoán hoặc làm theo lương hàng tháng. Mỗi tháng bình quân mỗi người cũng có thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng.Chị Phạm Thị Mai Hương chia sẻ, quê gốc sinh ra ở phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, hơn 10 năm trước chị lập gia đình về làng Ninh Vân. Từ đó, chị học nghề chế tác đá mỹ nghệ từ chồng, sau đó gia đình mở xưởng chê tác đá Huấn Hương. Ngoài 30 tuổi, chịu Hương có thâm niên làm nghề 10 năm nay.Nghề chế tác đá cực nhọc tưởng chỉ dành cho "cánh" đàn ông, tuy nhiên những phụ nữ ở Ninh Vân không ngại cực nhọc. Họ làm nghề ngoài gánh nặng mưu sinh còn có niềm đam mê. "Nghề chế tác đá chẳng sạch sẽ gì, ngoài làm việc cực nhọc, thường xuyên sống trong không khí ô nhiễm từ bụi đá còn phải chịu ô nhiễm tiếng ồn cực lớn từ các loại máy phát ra", một phụ nữ tâm sự.Khi làm nghề, hầu hết các chị em phụ nữ đều bịt kín hết mặt mũi, mang nhiều quần áo, khẩu trang, kính, nón nhưng vẫn không tránh khỏi bụi bám vào người. Đặc biệt là thường xuyên hít phải bụi đá rất độc hại, vì thế họ thường xuyên mắc phải các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa.Làm việc tại các lán trại tạm bợ, đồ bảo hộ lao động không có nguy hiểm luôn rình rập những phụ nữ chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân. Thực tế cho thấy, đã có một số chị em không may bị tai nạn trong khi làm nghề, thường xuyên bị đá đè lên chân tay, máy móc làm bị thương...Để đục đẽo được những tấm đá lớn, nhiều chị em cũng phải tự mình khuân, vác di chuyển đến địa điểm thích hợp để "hành nghề". Chị Thu có thâm niên 5 năm làm nghề chế tác đá cho hay: "Làm khoán thì mọi việc mình đều phải làm hết, chủ giao cho một khối lượng công việc, mình dự đoán khả năng bao nhiêu công nếu phù hợp thì làm. Máy móc mình phải mang theo, khi nào xong sản phẩm thì có công".Nhiều phụ nữ tâm sự, quanh năm làm việc với nghề chế tác đá hầu như ít có ngày nghỉ. Chỉ hôm nào đau ốm mới nghỉ, vì nghề này cực nhọc là vậy nhưng cứ ráo mồ hôi là hết tiền.Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng tôi có dịp gặp gỡ trò chuyện với nhiều phụ nữ ở Ninh Vân, với họ ngày nào cũng giống như nhau cả, vì công việc mưu sinh phải luôn được đặt lên hàng đầu. Họ cũng mong muốn có được bó hoa, được gói quà nhưng vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nên hy vọng đó đành gác lại một bên, lao vào công việc để quên đi ngày dành riêng cho giới mình.