TPHCM:

Tỷ lệ lớn người xin việc tìm kiếm mức lương trên 20 triệu đồng/tháng

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Lương là trở ngại lớn trong việc cân đối cung cầu lao động tại TPHCM. Gần 39% lao động tìm việc có mức lương trên 20 triệu đồng/tháng nhưng doanh nghiệp chỉ có 8% vị trí việc làm có mức lương này.

Theo báo cáo thị trường lao động năm 2022 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2023 tại TPHCM của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), quan điểm về mức lương của người lao động có nhu cầu tìm việc và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự đang có sự chênh lệch khá lớn.

Tỷ lệ lớn người xin việc tìm kiếm mức lương trên 20 triệu đồng/tháng - 1

Quan điểm về mức lương của người lao động và doanh nghiệp đang có sự chênh lệch khá lớn.

Trong năm 2022, Falmi đã khảo sát, thu thập thông tin của gần 140.000 người có nhu cầu tìm việc và gần 80.000 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 273.000 người.

Kết quả khảo sát cho thấy, nhu cầu tìm việc của người lao động tập trung cao nhất ở mức lương trên 20 triệu đồng tháng (chiếm 38,97%). Những người đặt ra mức lương này chủ yếu là ở các vị trí: kế toán, quản trị website, marketing, kiểm toán viên, nhân viên kinh doanh bất động sản, quản lý nhà hàng, kiến trúc sư, lập trình viên, kỹ sư, tư vấn tài chính, môi giới bảo hiểm, giáo viên tiếng Anh, dược sĩ…

Các mức lương khác có số lượng người lao động lựa chọn thấp hơn nhiều. Cụ thể, mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng chiếm 15,85%; trên 10 - 15 triệu đồng/tháng chiếm 26,18%; trên 15 - 20 triệu đồng/tháng chiếm 17,78%.

Chỉ có hơn 1,2% người lao động tìm việc đề nghị mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng. Lao động đề nghị mức lương này chủ yếu là lao động phổ thông ở các vị trí việc làm như: phục vụ, tạp vụ, bảo vệ, nhân viên bán thời gian, nhân viên bán hàng siêu thị, phụ bếp, phụ xe, cộng tác viên nhập liệu…

Trong khi đó, mức lương mà doanh nghiệp đề nghị lại chênh lệch khá lớn. Ở mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp cần nhiều lao động với gần 17.000 chỗ làm việc, chiếm gần 6,1% tổng nhu cầu nhân lực. Vị trí việc làm có mức lương này khá tương đồng với yêu cầu tìm việc của người lao động nhưng nhu cầu của doanh nghiệp cao mà người tìm việc lại ít.

Ở mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp cần hơn 137.000 chỗ làm việc, chiếm 50,24% tổng nhu cầu nhân lực, chủ yếu ở các vị trí việc làm như: nhân viên giới thiệu dịch vụ, tư vấn tuyển sinh, quản lý lớp học, tư vấn giáo dục, công nhân may, chăm sóc khách hàng, nhân viên kỹ thuật, nhân viên kho…

Ở mức lương trên 10 - 15 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp cần hơn 80.000 chỗ làm việc, chiếm 29,43% tổng nhu cầu nhân lực, chủ yếu ở các vị trí việc làm như: quan hệ khách hàng, nhân viên phân loại hàng, phát triển thị trường, chuyên viên kinh doanh, bất động sản, hành chính - văn phòng…

Ở mức lương 15 - 20 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp cần gần tìm người cho 17.000 vị trí làm việc, chiếm 6,17% tổng nhu cầu nhân lực, chủ yếu như tiếp viên hàng không, marketing, thi công công trình, trưởng phòng kinh doanh bất động sản, quản lý nhân sự, quản lý vận hành...

Chênh lệch cao nhất là ở mức lương trên 20 triệu/tháng. Trong khi 38,97% người tìm việc yêu cầu mức lương này thì doanh nghiệp chỉ cần hơn 22.000 chỗ làm việc, chiếm 8,07% tổng nhu cầu nhân lực.

Theo Falmi, trong năm 2022, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng nhân sự. Khó khăn lớn nhất là người lao động "chê" doanh nghiệp trả lương thưởng thấp, điều kiện làm việc không tốt… Trong khi đó, doanh nghiệp có nhu cầu nhân sự lại "than" kỹ năng của lao động không đáp ứng được các yêu cầu của vị trí công việc họ cần tuyển.