Tuyển sinh TC-CĐ 2017: Các trường có quyền tuyển sinh nhiều lần trong năm

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng. So với các dự thảo, quy chế chính thức tạo sự thông thoáng, tự chủ nhiều hơn cho các nhà trường trong tuyển sinh.


Nhiều quy định thông thoáng trong quy chế tuyển sinh TC-CĐ mới.

Nhiều quy định thông thoáng trong quy chế tuyển sinh TC-CĐ mới.

Thông tư 05/2017/TT - BLĐTBXH quy định quy chế tuyển sinh gồm nhiều nôi dung, như: Thời gian, đối tượng và hình thức tuyển sinh; nội dung quy chế tuyển sinh; thủ tục và hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; xác định điểm trúng tuyển… Thông tư cũng quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh gồm: tiêu chí, nguyên tắc xác định chỉ tiêu, quy trình đăng ký, thông báo chỉ tiêu tuyển sinh.

Về xác định điểm trúng tuyển, Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH nêu rõ, Hiệu trưởng, chủ tịch Hội đồng tuyển sinh (HĐTS) trường có toàn quyền xem xét, quyết định trên cơ sở căn cứ số lượng chỉ tiêu được xác định theo quy định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng, cử tuyển (nếu có); căn cứ thống kê kết quả tuyển sinh; căn cứ quy định khung điểm ưu tiên (nếu có).

Đối tượng áp dụng thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH là các trường cao đẳng, trường trung cấp và trường đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định. Đặc biệt, thông tư này không áp dụng với đối tượng tuyển sinh vào học chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và đi học ở nước ngoài.

Các trường có thể xây dựng tiêu chuẩn trúng tuyển chung trường hoặc theo từng ngành, nghề đào tạo của trường và do chủ tịch HĐTS quy định.

Trong trường hợp số thí sinh trúng tuyển đến trường không đủ, trường có thể hạ tiêu chuẩn tuyển chọn hoặc tuyển bổ sung bằng các lần tuyển sinh tiếp theo cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Tuy nhiên, việc hạ tiêu chuẩn tuyển chọn và tuyển sinh các đợt tiếp theo do hiệu trưởng, chủ tịch HĐTS quy định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS. Việc hạ điểm chuẩn phải được thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Trường hợp số thí sinh đến trường nhập học đủ so với chỉ tiêu đã xác định ở ngay đợt tuyển sinh tiếp theo, trường không được nhận thêm hồ sơ đăng ký dự tuyển dù vẫn còn các đợt tuyển sinh như đã thông báo trước đó. Đồng thời, trường phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Thông tư cũng quy định quyền hạn của Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐTS trong việc đề xuất tiêu chuẩn tuyển chọn ở tất cả các đợt tuyển sinh của trường. Các tiêu chuẩn này không nhất thiết phải bằng nhau.

Đối với những ngành, nghề không tuyển đủ chỉ tiêu, sau khi đã xác định tiêu chuẩn tuyển chọn ở mức cho phép theo yêu cầu đào tạo của trường mà vẫn còn thiếu số lượng, trường được phép lấy thí sinh dự tuyển vào trường mình nhưng không trúng tuyển vào những ngành, nghề khác, đồng thời đạt yêu cầu và tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định của ngành, nghề còn thiếu số lượng và tự nguyện vào học ngành, nghề đó.

Nếu số người đạt đủ tiêu chuẩn tuyển chọn lớn hơn chỉ tiêu thì lấy theo tiêu chuẩn tuyển chọn từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số lượng theo một quy trình công khai.

Ngoài ra, Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH cũng ban hành phụ lục về các nhóm đối tượng ưu tiên chính, ưu tiên tuyển thẳng, ưu tiên theo khu vực…

Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/4/2017.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH): Cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Về tuyển sinh năm 2015 đạt 2,29 triệu người, trong đó trung cấp, cao đẳng đạt 523.000 người, sơ cấp và dưới 3 tháng đạt 1,76 triệu người.

Từ ngày 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã tiếp nhận nguyên trạng chức năng quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (không tính các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên các cấp) từ Bộ GD-ĐT.

Hoàng Mạnh