Hải Phòng: “Nên hạn chế mở thêm trường dạy nghề công lập”
(Dân trí) - “Hải Phòng cần chú trọng tới nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác phân luồng hướng nghiệp nên thực hiện từ cấp PTCS. Bên cạnh đó, thành phố cần quy hoạch lại các trường dạy nghề, hạn chế mở thêm trường nghề công lập; giao tự chủ bộ máy, chương trình nội dung và từng phần về tài chính”
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố Hải Phòng, nhân chuyến công tác chiều 16/2 tại Hải Phòng.
Đây cũng là dịp để Bộ LĐ-TB&XH cùng thành phố Hải Phòng đánh giá lại công tác triển khai chính sách người có công, lao động việc làm và dạy nghề trên địa bàn trước thời điểm ngành LĐ-TB&XH kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ.
Cần nhân lực chất lượng cao
Theo đánh giá của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Hải Phòng đã có nhiều sự bứt phá lớn trong thời gian qua, tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, đời sống nhân dân có sự khởi sắc, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Theo ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, năm 2016, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 54.000 lao động, tăng 3,85% so với chỉ tiêu kế hoạch; tỉ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tăng.
Tuy nhiên, thành phố cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư lớn vào thành phố, tất yếu đòi hỏi người nhân lực chất lượng cao, như: Đào tạo nghề trình độ trung cấp và cao đẳng tiếp tục đạt thấp, các cơ sở dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng đào tạo nghề chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Cũng theo ông Nguyễn Bách Phái - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng, nhu cầu học nghề có nhưng chủ yếu là ngắn hạn. Số lượng tuyển sinh học nghề còn thấp, kết nối doanh nghiệp và dạy nghề chưa chặt chẽ. Nguyên nhân được đại diện Sở LĐ-TB&XH nhận định là nhận thức của người học và công tác phân luồng chưa được chú trọng. Về cơ chế chính sách, mức phí học nghề thấp còn ảnh hưởng tới chất lượng dạy nghề.
“Khi cơ cấu lao động gia tăng dẫn tới quan hệ giữa lĩnh vực dạy nghề và doanh nghiệp phát triển theo. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng đề xuất việc thay đổi chính sách về phân luồng, điều chỉnh mức học phí để nâng chất lượng đào tạo” - ông Nguyễn Bách Phái nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Hải Phòng đã có tới 58 cơ sở dạy nghề và có dạy nghề. Năm 2016, hệ thống các trường nghề trên đã tuyển sinh dạy nghề được 48.500 học sinh - sinh viên, trong đó cao đẳng nghề là 5.500 sinh viên, trung cấp nghề là 2.500 học sinh.
“Thời gian tới, thành phố nên chủ động hạn chế mở các trường nghề công lập mới. Đồng thời khuyến khích tư nhân mở trường công lập hoặc mô hình trường trong doanh nghiệp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng
Theo ông Lê Khắc Nam, thời gian qua, Hải Phòng đã tổ chức tốt công tác chăm lo đời sống cho người có công, ứng trước kinh phí hơn 110 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho hơn 4.700 hộ người có công theo quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
“Đến nay, thành phố cơ bản giải quyết xong việc giám định các hồ sơ nghi nhiễm chất độc hóa học. Trong dịp các ngày lễ, tết năm 2016, các ban, ngành của thành phố đã thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng với số tiền trên 146 tỉ đồng, bằng 241,32% so với năm 2015. Triển khai hỗ trợ nhà ở cho người có công đợt I cho 4.876 hộ, kinh phí 139.500 triệu đồng” - ông Lê Khắc Nam nói.
Theo ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, năm 2016, Hải Phòng có sự bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng giao thông quá tải ảnh hưởng phần nào đến đời sống nhân dân, công tác chỉnh trang đô thị còn chậm...
“Thành phố sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực LĐ-BT&XH trong năm 2017, bảo đảm tốt việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Trước mắt tập trung tổ chức tốt các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ bảo đảm trang trọng, thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công” - ông Lê Văn Thành nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao cách làm thực hiện chính sách người có công của thành phố. Bộ trưởng lưu ý, năm 2017 là dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), Hải Phòng và các địa phương cần chú trọng hơn nữa tới công tác chăm lo tới gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng…
“Về xử lý tồn động hồ sơ người có công, trong năm 2017, Hải Phòng cần giải quyết dứt điểm 49 trường hợp hồ sơ liệt sĩ, 7 hồ sơ thương binh còn tồn đọng với cách làm quyết liệt nhưng tôn trọng thực tế, tăng cường sự giám sát của nhân dân và công khai trên báo chí” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng, quan hệ lao động tại nhiều doanh nghiệp còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp. Năm 2016, Hải Phòng xảy ra 14 cuộc đình công với trên 7.370 lao động tham gia, tăng 5 cuộc và trên 3.800 người tham gia so với năm 2015. Tuy nhiên tất cả các cuộc đình công đều được hướng dẫn giải quyết và kết thúc trong trật tự, giảm thiểu được tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội thành phố.
Hoàng Mạnh